GS Võ Tòng Xuân: Đừng đổ cho nông dân làm ăn tự phát
VOV.VN-Theo GS Võ Tòng Xuân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phải bắt đầu từ nghiên cứu, quy hoạch cụ thể, và gắn với thị trường.
Bàn thêm về giải pháp cho tái cơ cấu nông nghiệp, phóng viên VOV online phỏng vấn GS Võ Tòng Xuân. Ông là một nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng lúa.
Sự chuyển hóa tư duy rất chậm
PV: Nền nông nghiệp đang xuống dốc, đời sống nông dân, đặc biệt là người trồng lúa rất khó khăn. Là một nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, theo Giáo sư, khúc mắc ở đâu?
GS Võ Tòng Xuân: Nước ta đã hòa bình, thống nhất 38 năm. Tới nay, xuống nông thôn, tại hầu hết các cánh đồng đều thấy bà con nông dân thu hoạch sản phẩm là đều muốn bán ngay. Vì không có tiền, họ bán sản phẩm để trả nợ vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu... đã mua tại các đại lý, nếu không có thể bị phạt lãi.
GS Võ Tòng Xuân |
Chứng tỏ sau 38 năm, nông dân chưa dành dụm được, vì lợi tức từ làm ruộng không được bao nhiêu, bất kể ở miền Nam, miền Trung hay miền Bắc.
Nguyên nhân quan trọng là nông dân làm ruộng chủ yếu căn cứ vào kinh nghiệm do ông cha để lại. Những người làm chính sách nông nghiệp cũng chủ yếu xuất thân từ nông dân nên nghĩ theo một cách.
Biểu hiện là, khi nước ta xuất khẩu gạo từ năm 1989 đã thấy sẽ có rất nhiều lúa. Từ năm 1980, tôi đã có ý kiến rằng, ứng dụng khoa học kỹ thuật có thể làm ra 6-7 tấn lúa/ha, nhưng không thể làm đồng đều trên mọi cánh đồng. Rồi năm 2.000, Nhà nước mới có quy định cho đa dạng hóa nông nghiệp, cho làm hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân. Nhưng có quy định này lại không có cơ chế để thực hiện. Thành ra, có những mô hình như nuôi tôm trong ruộng lúa cho lợi tức cao. Mô hình này cần có đầu tư vào thủy lợi để đảm bảo nước sạch, trong khi đó, với quy định hiện hành, có “dính” tôm vào sẽ không được đầu tư, chỉ riêng lúa mới đầu tư.
Đó là khúc mắc và nó thể hiện sự chuyển hóa tư duy ở Nhà nước ta rất chậm, không nhìn trước được. Tư duy lúc nào cũng lúa đã ăn sâu vào lãnh đạo từ xã, huyện, tỉnh đều muốn địa phương mình có nhiều lúa.
PV: Như thế, làm lúa ồ ạt chính là nguyên nhân khiến lợi tức từ làm ruộng không được bao nhiêu, nông dân vẫn khó khăn sau 38 năm miệt mài với ruộng đồng, thưa Giáo sư?
GS Võ Tòng Xuân: Đúng. Nó còn do nông nghiệp bị gò bó quá cứng nhắc về đầu tư. Người nông dân thì làm quá tự do. Mâu thuẫn ở chỗ: Nếu muốn thay đổi nông nghiệp, nông thôn thì Nhà nước phải đi trước tạo ra chính sách, tiền đề để nông dân theo. Nhưng do chính sách cứng nhắc quá, không làm được thế, cho nên nông dân cứ làm theo nhau, thấy cây nào có lợi thì đua làm, đến lúc thừa thì chặt bỏ.
Cấy lúa cũng tình trạng đó. Trồng ra nhiều, rồi hàng trăm thương lái mua, nông dân không biết trồng giống lúa gì cho chắc ăn. Thế nên, nông dân trồng đủ loại giống. Khi đó, thương lái cũng mua hỗn hợp rồi trộn với nhau và bán. Hệ quả là nông dân bị thương lái ép giá, còn doanh nghiệp không có sản phẩm có chất lượng cao để có thương hiệu mạnh, không bán được giá cao. Từ đó, thiệt thòi chính là nông dân, và Nhà nước cũng thiệt theo, còn thương lái, quản lý doanh nghiệp hưởng lợi.
PV: Vậy vướng mắc này, theo Giáo sư, sẽ gỡ bằng cách nào?
GS Võ Tòng Xuân: Cần bắt đầu từ khâu quy hoạch. Lâu nay, quy hoạch chủ yếu chưng lên cho màu mè, không thực tế. Ví dụ, ở địa phương nào đó, khi nhà khoa học tính toán thực tế chỉ 35.000 ha trồng lúa. Nhưng bị lãnh đạo địa phương bác bỏ, vì lãnh đạo đã hứa với cấp trên sẽ có 42.000 ha lúa. Vì thế, công tác quy hoạch phải “vẽ” cho đủ 42.000 ha, không thể giảm. Thành ra, lãnh đạo yêu cầu trồng lúa, nhưng thực ra đất đó có thể hợp trồng mỳ.
Rõ ràng, lỗi lớn nhất của công tác quy hoạch ở nước ta là theo ý chí, không theo khoa học và thực tiễn thị trường. Vì thế, hiện nay đời sống nông dân còn thiếu thốn, làm ra sản phẩm kiểu mạnh ai nấy làm, không có tổ chức hợp nhất. Trong khi đó, chẳng hạn với trồng lúa, đúng ra cần có quy hoạch cụ thể chỗ nào trồng giống gì. Hơn nữa, cần có sự hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.
Cánh đồng mẫu lớn có lợi cho người bán thuốc sâu, phân bón
PV: Thời gian qua, đã có một số mô hình thực hiện sự hợp tác, nhưng chưa khuyến khích được các bên tham gia, nhất là nông dân chưa hưởng ứng mạnh. Thực tế này có cản trở sự hợp tác như Giáo sư nêu?
GS Võ Tòng Xuân: Tôi thấy có phong trào nhiều nơi có làm cánh đồng mẫu lớn. Cách làm này đã khá hơn trước, nhưng thực ra chủ yếu người kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là bán được, còn nông sản làm ra cũng chưa được tiêu thụ ổn định và hiệu quả.
Mặc dù nếu làm kiểu liên kết “4 nhà” (nông dân, nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học) thì nông dân yên tâm hơn. Bởi vì, doanh nghiệp sẽ đặt hàng nông dân sản xuất nguyên liệu cho họ. Nhưng muốn liên kết sản xuất tốt, nông dân phải được đào tạo để có tay nghề. Ví dụ, trồng lúa là trồng giống chất lượng cao nhất mà giá thành rẻ nhất, để có nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến ra sản phẩm tốt. Từ đó, đăng ký thương hiệu rồi bán với giá cao, tiền lời đó sẽ có phần cho nông dân hưởng.
Có một thực tế, ví dụ, các nhà máy đường đều biết cần bao nhiêu hecta trồng mía nguyên liệu. Họ đã gặp nông dân và hợp tác để nông dân sản xuất mía nguyên liệu, sau đó mới làm nhà máy. Hay như trồng khoai mì cũng phải gắn với nhà máy làm bột mì. Tôi chưa thấy ai nào dám đầu tư làm nhà máy bột mì nếu họ không “nắm” được các nông dân trồng mì. Trong khi đó, trồng lúa lại không chịu làm như thế.
Ngay như tôi đi Mỹ, tại California, có thung lũng trái cây rộng hơn 500.000 ha. Nhưng cứ mỗi vùng 10.000 ha là có công ty sơ chế trái cây. Công ty này đặt hàng nông dân, đưa ra tiêu chuẩn cho nông dân trồng rồi thu mua trái cây có quy trình kỹ thuật. Các nhà khoa học thì nghiên cứu, tính toán từng loại trái cây, tìm cách cho chín vào thời điểm cụ thể nào đó để thu hoạch cho phù hợp chế biến.
Doanh nghiệp giải bài toán thị trường?
PV: Trong điều kiện của Việt Nam, cần vận dụng các mô hình, kinh nghiệm sao cho phù hợp, thưa Giáo sư?
GS Võ Tòng Xuân: Nước ta làm tái cơ cấu nông nghiệp cần phải giải quyết một cách có hệ thống. Bộ NN-PTNT có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhưng trước tiên, phải tìm các nghiên cứu về sản xuất nông nghiệp từ 20 năm nay đã có kết quả để thấy chỗ nào cần trồng cây gì là phù hợp. Chăn nuôi cũng cần đưa vào hệ thống cho phong phú, người nông dân sẽ tăng lợi.
Mỗi vùng cần nhiều công thức, nhưng phải xem xét thị trường để từ bây giờ vùng nào làm gì là phù hợp nhất với điều kiện đất đai và thị trường. Các địa phương phải tìm các doanh nghiệp, bàn bạc với doanh nghiệp, tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư, tìm thị trường tiêu thụ, xây dựng cơ sở để chế biến sản phẩm. Còn nếu cứ khuyến khích nông dân làm mà không bán được sản phẩm là không được.
Ví dụ, tại huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), có vùng trồng cà chua tới 5.000 ha. Dù cà chua rất ngon, nhưng không bán được. Vì ban đầu chỉ có một số nông dân trồng rồi đưa về TP HCM bán vào siêu thị, được giá. Nhưng rồi mọi người đổ xô trồng, giá cà chua rớt xuống, từ trước kia 5.000 đồng/kg, nay còn 400 đồng/kg, vẫn không bán được.
PV: Vậy thì để nông nghiệp thực sự phát triển và bền vững, theo Giáo sư, các bên tham gia làm nông nghiệp phải như thế nào?
GS Võ Tòng Xuân: Một đất nước có 3 chủ thể quản trị bền vững giống như kiềng 3 chân. Một là, lực lượng lao động, chủ thể sản xuất. Hai là, doanh nghiệp, không sản xuất nhưng có thể bán hàng và biết nơi nào được giá. Ba là, Nhà nước phải đứng ra kết nối để nông dân và doanh nghiệp hợp tác với nhau.
Nhà nước phải tính ra chiến lược lâu dài, xác định được cây, con nào là mũi nhọn rồi mới huy động toàn lực phát triển nó. Tức là đề ra chiến lược, Nhà nước cần có giải pháp để thực hiện được chiến lược cho tốt.
Cho nên, tái cơ cấu nông nghiệp, trước tiên phải từ tư duy nhà quản lý, nếu nhạc trưởng mà tư duy sai, chiến lược sai thì sai hết. Nếu cứ nói tái cơ cấu rồi để ai làm gì thì làm sẽ còn chết nữa. Không thể cứ được mùa thì bảo nhờ lãnh đạo, còn mất mùa là đổ cho nông dân làm ăn tự phát.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!./.