GS Võ Tòng Xuân - "Vị sứ giả" nông nghiệp

VOV.VN - GS-TS Võ Tòng Xuân, người được bạn bè quốc tế gọi với các tên thân mật "Dr. Rice". Trong nhiều năm trước, dù tuổi đã cao, vẫn nỗ lực để đưa kỹ thuật trồng lúa nước Việt Nam sang châu Phi, giúp người dân nơi đây vượt qua vấn đề thiếu đói lương thực một cách bền vững. Trong số các nước châu Phi mà GS Võ Tòng Xuân và nhóm cộng sự hỗ trợ, Sierra Leone là quốc gia đầu tiên.

Không chỉ nổi tiếng trong nước, các công trình nghiên cứu của GS-TS Võ Tòng Xuân còn mang nhiều lợi ích cho nông dân các nước nghèo ở châu Phi như đưa nhiều giống lúa Việt Nam hay nhà khoa học Việt Nam sang giúp đỡ các nước: Sierra Leone, Liberia, Nigieria, Sudan, Mozambique, Angolia, Cameroon…, kiến thiết nền nông nghiệp cho phù hợp với tình hình và điều kiện của từng quốc gia.

Trong nhiều lần tiếp xúc với ông, GS Võ Tòng Xuân luôn nhắc về hành trình đầu tiên sang Sierra Leone giúp nông dân nước này trồng lúa. Trong đó, lần thứ nhất năm 2006, từ cuộc trao đổi với ông Sahr Johnny, khi đó đang là Đại sứ của Sierra Leone tại Trung Quốc trong việc giúp nước này sản xuất lương thực, GS-TS Võ Tòng Xuân đã nhận lời sang hỗ trợ.

Với suy nghĩ trong khi các cường quốc Âu Mỹ và châu Á đang tìm cách viện trợ cho châu Phi thì Việt Nam có thể giúp châu Phi xóa đói giảm nghèo bằng kỹ thuật trồng lúa miền Tây. Đó chính là động lực thôi thúc ông dành nhiều thời gian và tâm huyết với các quốc gia còn khó khăn, thiếu thốn lương thực.

GS Võ Tòng Xuân thời điểm đó đã xin phép lãnh đạo UBND tỉnh An Giang thực hiện chuyến tìm hiểu Sierra Leone từ ngày 31/5 đến 6/6/2006 bằng tiền riêng và được đón tiếp rất trọng thể từ lãnh đạo đất nước này đến các địa phương.

Trong thời gian ở Sierra Leone, GS đã đi khắp nơi tiếp xúc, trao đổi với các trưởng bộ lạc và nông dân để tìm hiểu tập quán làm ăn của họ; đồng thời thảo luận với các nhân viên nghiên cứu lúa ở Rokupr để tìm hiểu những khó khăn trong nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật. GS nhận thấy Sierra Leone đất rộng, người thưa, điều kiện khí hậu khá giống với ĐBSCL. Tuy nhiên, hầu hết người dân vẫn trồng lúa quảng canh một năm một vụ, chưa nắm được kỹ thuật trồng lúa tiên tiến. Nước tưới ở đây vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước trời, chưa có hệ thống thủy lợi nào được xây dựng, vì vậy năng suất chỉ đạt 2-3 tấn/ha.

Hơn một năm sau chuyến khảo sát, “Nhóm công tác an toàn lương thực Sierra Leone” do GS-TS Võ Tòng Xuân đứng đầu được thành lập.

GS-TS Võ Tòng Xuân từng chia sẻ: "Tôi thấy bây giờ trong các quốc gia trên thế giới có châu Phi là có nạn đói, thiếu ăn, nghèo đói. Rất nhiều các nước giàu trên thế giới mỗi năm họ đều đổ tiền để giúp châu Phi hàng triệu triệu đô la nhưng họ càng giúp thì vẫn tiếp tục đói, nghèo. Thành ra tôi nghĩ Việt Nam mình chiến thắng các loại giặc, kể cả giặc rầy nâu… nhưng mình không có tiền, không có tiền để mà mình giúp Châu Phi. Cho nên tôi mới cố gắng là mình đem kỹ thuật trồng lúa cao sản của đồng bằng sông Cửu Long của mình của Việt Nam mình để giúp Châu Phi, để họ sản xuất giống được như mình, để mà họ cũng thoát nghèo, thoát đói".

Trong lần tiếp theo sang đất nước Tây Phi này, 50 giống lúa cao sản và 10 giống lúa chất lượng cao của ĐBSCL đã được GS và các cộng sự mang theo. Các giống lúa này sau đó được thử nghiệm tại khu Mange Bureh và trại nghiên cứu Rokupr, song song với đó là việc thiết kế hệ thống tưới tiêu tại khu vực thử nghiệm. Các chuyên gia Việt Nam ngày đó đã lập nên 2 kỳ tích. Thứ nhất là trồng được 2 vụ lúa, thời gian sinh trưởng của cây lúa chỉ từ 95-100, năng suất khoảng 4,7 tấn/ha. Thứ hai là các chuyên gia còn tích trữ được lượng lúa giống đủ để gieo trồng ở diện rộng.

Sau bước đầu thử nghiệm thành công ở Sierra Leone, GS-TS Võ Tòng Xuân và các cộng sự tiếp tục có mặt tại Nigeria, Sudan, Mozambique, Rwanda, Burundi, Liberia để khảo sát và hỗ trợ.

"Tôi cũng đi mười mấy nước đưa cán bộ kỹ thuật của mình qua để giúp cho người ta làm trong giai đoạn đầu của mình. Đầu tiên là tôi đem nhiều giống để chọn ra giống tốt nhất, kế đó là tổ chức nhân ra. Từ đó khi nhận ra rồi thì tôi rất mong là sẽ tiếp tục là họ đưa thủy lợi vào. Trên cơ sở thủy lợi đó thì tôi mới huấn luyện cho mấy ông nông dân nhưng rất tiếc là lúa của mình qua đó, và kỹ thuật của mình đã cho thấy có thể có những cánh đồng 5 tấn, 8 tấn, 9 tấn như ở Mozambique" - GS-TS Võ Tòng Xuân chia sẻ.

Tại cuộc hội thảo quốc tế trực tuyến về an ninh lương thực và dinh dưỡng tổ chức vào cuối tháng 5/2022, GS-TS Võ Tòng Xuân một lần nữa đau đáu với mong muốn hỗ trợ người dân châu Phi giảm nỗi lo về an ninh lương thực.

Kể lại câu chuyện sang Sierra Leone giúp nông dân trồng lúa tại cuộc hội thảo quốc tế này, GS-TS Võ Tòng Xuân đúc kết rằng ở châu Phi, lương thực nằm chính ở trong đất, lại có sẵn nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt là những người trẻ rất mong được làm việc. Vì thế, chỉ cần trang bị cho họ kỹ năng, công cụ, công nghệ để sản xuất, chắc chắn châu Phi sẽ chiến thắng "giặc đói", bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững.

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân: "Ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mozambique khi đi thực tế cũng nói chưa bao giờ thấy cây lúa mà nó tốt như thế này ở châu Phi. Nhưng sau đó thì ông cũng không có đầu tư và cái khác biệt chính trong sản xuất lúa ở châu Phi và Việt Nam là thủy lợi. Không có thủy lợi thì mình làm theo kiểu lúa trời thì không có năng suất được. Do đó, với tất cả mong muốn của tôi là góp kỹ thuật cho châu Phi, nhưng cuối cùng không thực hiện được trọn vẹn".

Theo GS Võ Tòng Xuân, từ nhiều thập kỷ nay, châu Phi đã và đang được các nước phương Tây, các tổ chức quốc tế giúp phát triển. Nhưng theo số liệu của Liên hiệp quốc, hàng năm số người nghèo và đói lại tăng thêm. Vì thế, theo GS, nông nghiệp châu Phi phải được phát triển bằng một phương cách thích hợp hơn, và sẽ bắt kịp nông nghiệp các lục địa khác nếu xác định được kỹ thuật canh tác từng vùng cụ thể; được tạo điều kiện và cấu trúc hạ tầng tối thiểu, và nông dân được hướng dẫn trực tiếp bởi các chuyên gia.

Những năm tháng cuối đời mình, GS Võ Tòng Xuân vẫn đau đáu nghĩ về sự hỗ trợ chưa trọn vẹn đối với các quốc gia Châu Phi. GS chia sẻ Việt Nam mình từ chỗ thiếu ăn đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo nhóm đầu thế giới thì hoàn toàn có thể đem kinh nghiệm ra giúp các nước Châu Phi. Chúng ta có thể hỗ trợ các nước châu Phi bằng cách chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ, kỹ thuật trồng lúa; đồng thời mong các tổ chức quốc tế cùng chung tay để hỗ trợ các quốc gia còn khó khăn này.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giáo sư Võ Tòng Xuân đã hóa thành “hương lúa đồng bằng”
Giáo sư Võ Tòng Xuân đã hóa thành “hương lúa đồng bằng”

VOV.VN - Những ngày giáp Tết Giáp Thìn năm 2024, dù sức khỏe không được tốt, GS.TS Võ Tòng Xuân - “cha đẻ" của nhiều giống lúa ngon của vựa lúa ĐBSCL vẫn dành một cái hẹn với chúng tôi tại Cần Thơ để trao đổi về câu chuyện hạt gạo Việt Nam.

Giáo sư Võ Tòng Xuân đã hóa thành “hương lúa đồng bằng”

Giáo sư Võ Tòng Xuân đã hóa thành “hương lúa đồng bằng”

VOV.VN - Những ngày giáp Tết Giáp Thìn năm 2024, dù sức khỏe không được tốt, GS.TS Võ Tòng Xuân - “cha đẻ" của nhiều giống lúa ngon của vựa lúa ĐBSCL vẫn dành một cái hẹn với chúng tôi tại Cần Thơ để trao đổi về câu chuyện hạt gạo Việt Nam.

GS.TS Võ Tòng Xuân qua đời ở tuổi 85
GS.TS Võ Tòng Xuân qua đời ở tuổi 85

VOV.VN - Theo thông tin từ gia đình, Nhà giáo nhân dân, GS.TS Võ Tòng Xuân, Anh hùng lao động, Hiệu trưởng Danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ đã qua đời vào hồi 7h27 ngày 19/8 tại bệnh viện ở TP.HCM, sau một thời gian lâm trọng bệnh. Theo dự kiến, tang lễ tổ chức tại Nhà tang lễ TP.HCM sau đó đưa về an táng tại quê nhà.

GS.TS Võ Tòng Xuân qua đời ở tuổi 85

GS.TS Võ Tòng Xuân qua đời ở tuổi 85

VOV.VN - Theo thông tin từ gia đình, Nhà giáo nhân dân, GS.TS Võ Tòng Xuân, Anh hùng lao động, Hiệu trưởng Danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ đã qua đời vào hồi 7h27 ngày 19/8 tại bệnh viện ở TP.HCM, sau một thời gian lâm trọng bệnh. Theo dự kiến, tang lễ tổ chức tại Nhà tang lễ TP.HCM sau đó đưa về an táng tại quê nhà.