Hà Nội nâng thu nhập bình quân đầu người 77 triệu đồng/năm
Hà Nội hiện có trên 120.000 doanh nghiệp với trên 1,5 triệu lao động, trong đó, có 203 doanh nghiệp nhà nước với 100.000 lao động
Nhiều con số đáng chú ý đã được nêu ra trong Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2015 của thành phố Hà Nội.
Cụ thể, về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 9,0 - 9,5%, thu nhập bình quân (GRDP) đầu người đạt 75 - 77 triệu đồng, tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn đạt 11,0 - 12,0%, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 8,0 - 9,0%.
Thống kê cho thấy, Hà Nội hiện có trên 120.000 doanh nghiệp với trên 1,5 triệu lao động, trong đó, có 203 doanh nghiệp nhà nước với 100.000 lao động. Trong năm 2014, chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội đã tăng 2 bậc so với năm 2013, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố; chỉ số CPI cũng được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, tăng 18 bậc so với năm 2013, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố; chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT cũng tăng 1 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố.
Hà Nội hiện có trên 120.000 doanh nghiệp với trên 1,5 triệu lao động. (Ảnh: KT)
Hiện nay, TP Hà Nội có 19 khu công nghiệp, khu chế xuất được phê duyệt. Trong đó, có 8 khu công nghiệp và chế xuất đi vào hoạt động, thu hút trên 551 dự án đầu tư (trong đó có gần 300 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký 4,7 tỷ USD), thu hút trên 136.000 lao động.
Các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, chế xuất được thụ hưởng cơ sở hạ tầng hoàn thiện, cùng những cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo ra 60% giá trị sản xuất công nghiệp và 40% giá trị xuất khẩu toàn thành phố. Ngoài ra, thành phố cũng đang triển khai xây dựng 107 cụm công nghiệp trên địa bàn 22 quận, huyện, thị xã, tổng diện tích gần 3.200 ha, thu hút trên 3.800 dự án.
Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước những năm qua, TP. Hà Nội đã quan tâm, hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp, thông qua việc thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo điều kiện để một số doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên được hỗ trợ lãi suất vốn vay và tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, TP. Hà Nội đã thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do trực tiếp Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng. Từ đầu năm 2014 đến nay, lãnh đạo thành phố đã tổ chức 7 lần đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để lắng nghe những kiến nghị, đề xuất và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người lao động.
Cũng trong những năm qua, việc tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn luôn được chú trọng. Các giải pháp tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT, đơn giản hóa thủ tục hành chính để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Các thủ tục hành chính có liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng cũng có sự cải cách mạnh mẽ, theo hướng giảm thời gian giải quyết và đơn giản hơn về thành phần hồ sơ.
Để đạt mục tiêu KT-XH 2015, thành phố yêu cầu, huy động mọi nguồn lực, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014.
Tiếp tục thực hiện 7 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, gồm: Cải thiện môi trường kinh doanh; rà soát, sửa đối các quy định, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước; nâng cao chỉ số PCI.
Định kỳ tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp đế kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc, có biện pháp tháo gỡ thúc đấy phát triến sản xuất kinh doanh; đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất./.