Hà Nội tăng giao thương kết nối cung cầu với hơn 50 tỉnh thành
VOV.VN - Riêng trong năm 2016 Hà Nội có trên 350 hợp đồng, biên bản thỏa thuận, ghi nhớ hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Nằm trong chuỗi sự kiện liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương một cách ổn định, bền vững, chiều 1/12, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2016.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đến thời điểm này, thành phố Hà Nội đã tổ chức các chương trình liên kết vùng, giao thương kết nối cung cầu với trên 50 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Hiệu ứng kết nối cung cầu giúp cho Hà Nội có đầy đủ lượng hàng hóa, đảm bảo nguồn cung cho người dân. |
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, mức luân chuyển hàng hóa bán lẻ của Hà Nội hiện chiếm khoảng 10% của cả nước, với nhiều chợ đầu mối, siêu thị, nhà hàng, khách sạn nên nhu cầu tiêu thụ lớn. Hiệu ứng kết nối cung cầu giúp cho Hà Nội có đầy đủ lượng hàng, đảm bảo nguồn cung cấp hàng hoá cho người dân trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới và đảm bảo cung cầu hàng hóa ổn định, lâu dài.
Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm nay thu hút khoảng 300 doanh nghiệp tham gia. Bà Lê Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Quà tặng và du lịch Lê Hằng, ở Phú Yên – một trong những doanh nghiệp tham gia giao thương kết nối tiêu thụ hàng hóa chia sẻ, việc tổ chức giao thương kết nối tạo cơ hội cho doanh nghiệp tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường phân phối ở các tỉnh, thành miền Bắc trong đó có Hà Nội.
“Chúng tôi mang ra đây nhiều đặc sản của Phú Yên như cá ngừ đại dương, các loại hải sản khô, nước mắm nhĩ. Hiện chúng tôi có những khó khăn về vận chuyển hải sản tươi sống. Tôi mong là sẽ có nhiều đợt giao thương kết nối như thế này để có thể trao đổi hàng hóa của Phú Yên, cũng như các tỉnh thành khác với nhau, doanh nghiệp có cơ hội phát triển rộng hơn”, bà Hằng cho biết.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong những năm qua, hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng, kết nối cung cầu giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước được triển khai tích cực, hỗ trợ các tỉnh, thành tiêu thụ sản phẩm, cơ bản khắc phục tình trạng “được mùa rớt giá, mất mùa giá tăng”.
Nhiều sản phẩm có thế mạnh của địa phương được các doanh nghiệp phân phối lớn của Hà Nội đưa vào kênh tiêu thụ hiện đại. Mặc dù vậy, cho tới nay, còn ít những doanh nghiệp lớn làm đầu mối thu mua hàng hóa cho bà con nông dân. Sự kết nối giữa các cơ sở, đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp phân phối chưa chặt chẽ.
Do đó, thời gian tới các tỉnh, thành phố cần chủ động xây dựng kế hoạch kết nối cung cầu hàng hóa, phối hợp đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Các doanh nghiệp ở Hà Nội tiếp tục đầu tư, phát triển mạng lưới phân phối theo quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ của thành phố; Hỗ trợ tối đa việc tiêu thụ các sản phẩm của các địa phương trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô và tạo đầu ra ổn định cho người sản xuất./.