Hàng tồn, giá giảm, doanh nghiệp cao su Tây Ninh gặp khó
Tính đến giữa tháng 6/2014, tại các doanh nghiệp của nhà nước và tư nhân trên địa bàn tỉnh còn tồn khoảng 10.000 tấn mủ cao su.
Theo ông Đoàn Văn Lực, Hiệp hội Cao su Việt Nam, tính đến giữa tháng 6/2014 tại các doanh nghiệp của nhà nước và tư nhân trên địa bàn tỉnh còn tồn khoảng 10.000 tấn mủ cao su, trị giá trên 350 tỷ đồng chưa bán được. Lý do hàng tồn ngày càng nhiều là vào quý IV năm trước, các doanh nghiệp cao su đã tập trung thu mua nguyên liệu để dự trữ, chế biến trong thời gian hết thời vụ khai thác, trong khi giá tiêu thụ cao su thành phẩm liên tục giảm từ 45-50 triệu đồng/tấn (tháng 6/2013) xuống chỉ còn 35 triệu đồng/tấn. Trước tình hình này, càng đẩy hàng ra càng lỗ nặng, nhiều doanh nghiệp "gồng mình" giữ hàng, chờ lên giá, đồng thời phải tiếp tục thu mua mủ của nông dân để giữ mối đầu vào và tạo công ăn việc làm cho công nhân nhà máy.
Chế biến mủ cao su (Ảnh: KT)
Một yếu tố nữa khiến mặt hàng cao su “dội chợ” do cung đã vượt cầu ngay trong thị trường trong nước và các nước nhập khẩu. Chỉ tính riêng tại tỉnh Tây Ninh, tính đến cuối năm 2013, tích cây cao su đã lên đến 98.170 ha, trong đó diện tích đã đưa vào khai thác là 76.989, sản lượng đạt 165.372 tấn (quy khô)/năm. Trong khi diện tích quy hoạch của tỉnh đến năm 2015 là 84.400 ha, sản lượng 162.222 tấn. Như vậy, tính về sản lượng khai thác đã vượt trên 3.000 tấn mủ so kế hoạch. Còn về nước nhập khẩu (mặt hàng cao su ở Tây Ninh 60% là xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch) cũng đã lâm vào khủng hoảng thừa.
Cũng theo ông Đoàn Văn Lực, thời điểm tháng 5/2014 tại cảng Thanh Đảo - Cảng giao dịch quốc tế về cao su thuộc tỉnh Sơn Tây của Trung Quốc vẫn còn thừa 300.000 tấn mủ, chưa kể Thái Lan đang “xả hàng” khoảng 200.000 tấn để giải phóng kho dự trữ… Từ đó, lượng cao su xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tuy giá hạ từ 25-30% so cùng kỳ năm ngoái, nhưng mặt hàng này vẫn ế ẩm.
Trước tình hình thị trường cao su tại Trung Quốc đang “đóng băng” và ép giá, một số doanh nghiệp cao su tại Tây Ninh có tiềm lực về vốn đã đầu tư về máy móc thiết bị, kiểm soát chặt chẽ chất lượng từ khâu thu mua, chế biến, cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quy định để chuyển hướng sang thị trường châu Á, châu Âu, châu Mỹ, Ấn Độ. Chẳng hạn như Công ty TNHH sản xuất cao su Liên Anh, thành phố Tây Ninh trong 5 tháng đầu năm 2014 đã xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ, Ấn Độ, Singapore, Đức, Ai Cập… được 8.500 tấn đạt tiêu chuẩn (tiêu chuẩn Việt Nam), trị giá 18,5 triệu USD./.