Hàng tồn kho nhiều khiến dòng tiền bị tắc nghẽn
(VOV) -Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ xấu của ngân hàng, tăng trưởng tín dụng thấp...
Ngay sau khi ngân hàng Nhà nước quyết định hạ lãi suất điều hành, hiện lãi suất huy động niêm yết của các ngân hàng đã đồng loạt giảm. Đây được coi là động thái tích cực, mang lại nhiều hy vọng cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, làm thế nào để khai thông nguồn vốn khi mà tỷ lệ nợ xấu ở mức cao là vấn đề đang được các nhà quản lý cũng như cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.
Tính đến thời điểm này, trong tổng số 39 ngân hàng thương mại tại Việt Nam, đã có 15 ngân hàng hạ lãi suất tiền gửi kỳ ngắn hạn xuống dưới mức trần lãi suất 7,5%/năm. Có 14 ngân hàng hạ lãi suất tiền gửi không kỳ hạn xuống dưới 2%/năm. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là doanh nghiệp khó tiếp cận được các nguồn vốn vay vì lãi suất cao, hoặc không đủ các tiêu chuẩn để được ngân hàng chấp nhận cho vay với lãi suất thấp.
Nhận định về vấn đề này, bà Trương Hoàng Lan – Giám đốc Ban nguồn vốn Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong cho rằng: Thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã bộc lộ rõ điểm yếu nội tại, cộng với tình hình nợ xấu, nợ quá hạn lớn như hiện nay, các ngân hàng thương mại khó có thể cho vay tiếp. Do đó, dòng vốn giá rẻ từ các ngân hàng chỉ tìm đến những địa chỉ đầu tư an toàn là những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả.
“Thực sự nguồn vốn giả rẻ đã xuất hiện và bản thân các ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp và chỉ tập trung vào các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, đặc biệt là những doanh nghiệp tạo được lợi ích an sinh xã hội. Còn đối với những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả và có những dự án chưa phục vụ nhu cầu thiết yếu cho dân, nguồn vốn giá rẻ đó sẽ được tiếp cận sau chứ không phải tại thời điểm bây giờ” - bà Trương Hoàng Lan cho biết thêm.
Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, bản thân các ngân hàng thương mại thực chất cũng là một doanh nghiệp. Vì vậy, không một doanh nghiệp nào mạo hiểm mang tiền của mình đi đầu tư vào một dự án mà biết chắc rằng mình sẽ rơi vào thế nợ xấu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cung cầu không gặp nhau. Đặc biệt, các doanh nghiệp hiện nay chưa có giải pháp và kế hoạch minh bạch trong việc quản lý dòng tiền. Điều này dẫn đến sự bế tắc, không hiểu nhau giữa bên cấp vốn và bên nhận vốn.
Ông Trần Đình Thiên phân tích: “Tính đến hết tháng 4/2013, số doanh nghiệp đóng cửa bình quân theo quý lớn hơn cả hai năm trước. Chứng tỏ các doanh nghiệp hiện nay đã kiệt sức. Ngân hàng là một tuyến của doanh nghiệp mà doanh nghiệp khó thì ngân hàng cũng gặp khó khăn, vì có tiền mà không cho vay được thanh khoản tồn nhiều cũng không được. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là việc đoán định tình hình để có giải pháp và có những giải pháp tốt là rất yếu. Đều này cả hai phía ngân hàng và doanh nghiệp đều gặp phải.”
Hàng tồn kho nhiều khiến dòng tiền bị tắc nghẽn, đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ xấu của ngân hàng, tăng trưởng tín dụng thấp. Chỉ khi sản phẩm được tiêu thụ tốt, sức khỏe của doanh nghiệp dần hồi phục, khi đó việc hạ lãi suất, nới lỏng tín dụng mới phát huy tác dụng./.