Hàng trăm ha vườn cây đặc sản của ĐBSCL bị hạn mặn “uy hiếp“

VOV.VN - Trữ nước ngọt, chở nước ngọt về cung ứng cho cây trồng đang được người dân thực hiện, tuy nhiên các vườn cây đặc sản không tránh khỏi thiệt hại.

Hiện nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hơn 300.000 ha cây ăn quả, chiếm gần 40% diện tích cây ăn quả của cả nước. Trong thời điểm hạn mặn gay gắt như hiện nay, chính quyền, ngành nông nghiệp và nhà vườn trong khu vực đang chắt chiu từng mét khối nước ngọt để hy vọng cứu vườn cây ăn trái của mình.

Hiện nay, nước mặn đang lấn sâu vào các con sông chính ở vùng ĐBSCL như: sông Tiền, sông Hậu, sông Hàm Luông, Cổ Chiên… Tại sông Tiền, nước mặn 3 phần nghìn đã vượt đến chân cầu Mỹ Thuận, thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Gần 30.000 ha vườn cây ăn trái của các địa phương này đang bị ảnh hưởng trực tiếp của hạn mặn.

Nước mặn 3 phần nghìn đã xâm nhập sâu về hướng thượng nguồn của sông Tiền cách biển Đông gần 100 km.

Nghiêm trọng nhất là hơn 4.500 ha cây sầu riêng ở 4 xã Tam Bình, Long Trung, Ngũ Hiệp và Tân Phong ven sông Tiền thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Cây đang bị héo lá, rụng lá do hết nguồn nước ngọt. Tại xã Tam Bình có hơn 20% diện tích cây sầu riêng bị chết trắng.

Bà Trần Thị Út ở ấp Bình Hòa B, xã Tam Bình, trồng 7 công cây sầu riêng 10 năm tuổi. Vườn cây này vừa thu hoạch thì bị héo lá, rụng lá chết vì khô hạn.

“Sau khi thu hoạch xong, thì nước mặn không tưới nữa, bí nước lại cho khô. Trong khi đó, cây thu hoạch xong nó mất sức, nó bị rụng lá, muốn chết sạch hết rồi, đâu có nước ngọt đâu mà bơm vào. Bây giờ bó tay luôn, thiệt hại khoảng 50%” - bà Út nói.

Những ngày qua, nhà vườn trồng cây sầu riêng đã dùng nhiều biện pháp để chống khô hạn và cuối cùng là giải pháp thuê sà lan, xe thùng... chở nước ngọt từ thượng nguồn về tưới vào gốc cây “chữa cháy”.  Dù giá nước ngọt quá cao trên dưới 100.000 đồng/m3 nhưng nhà vườn đành chịu để mong cứu vườn cây đặc sản. Hiện nay, chính quyền và người dân trồng cây ăn trái tỉnh Tiền Giang tiếp tục làm thủy lợi, gia cố cống đập để chờ  tiếp nhận nguồn nước ngọt từ sông Mê Kông tràn về.

Ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình cho biết: “Để chuẩn bị nước triều, có khả năng độ mặn giảm xuống, xã sẽ báo cho người dân biết khai nước vào mương vườn. Hiện nay, người dân đã chuẩn bị mũ, bạc, túi ni long, bồn để khi có nước ngọt về thì tiến hành trữ. Xã được huyện trang bị 4 máy đo độ mặn, đã phân công cán bộ phụ trách đo các điểm cố định trên địa bàn xã và thông báo cho người dân để biết đối phó”.

Do thiếu nước ngọt nhiều diện tích cây sầu riêng bị rụng lá, rụng trái.

Ở tỉnh Bến Tre, nước mặn cũng đang uy hiếp khoảng 20.000 ha vườn cây ăn trái như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bưởi da xanh và 40 triệu sản phẩm cây giống hoa kiểng, nhiều nhất ở các huyện Chợ Lách, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm. Công tác trữ nước ngọt, chở nước ngọt về cung ứng cho cây trồng đang được người dân thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên đến giờ này, vườn cây đặc sản tỉnh Bến Tre cũng không tránh khỏi thiệt hại, nguy hại nhất là đối với cây măng cụt, chôm chôm và sầu riêng.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết: “Tỉnh Bến Tre phải dựa vào những biện pháp phi công trình và sức mạnh của người dân. Dân người ta tự hùn tiền nhau làm các điểm trữ nước cục bộ, vựa nước, trữ nước đẻ tưới. về các giải pháp phi công trình là việc vựa nước, giữ mát, giữ ẩm…

Hầu như ở xã nào cũng có điểm đo độ mặn công cộng. Khi mà nước có độ mặn tuyệt đối không tưới cây, chỗ nào không có nước ngọt thì cũng cương quyết không đưa nước mặn vào sâu trong nội đồng vườn cây ăn trái và cũng không có chuyện xử lý ra hoa, đậu quả trong thời điểm này”.

Ở các tỉnh có diện tích vườn cây ăn trái lớn của vùng ĐBSCL như: Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang công tác “chống” hạn mặn cũng đang thực hiện khẩn trương. Ngoài giải pháp dự trữ, tiếp tế nguồn nước ngọt, các ngành chuyên môn đã tăng cường các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật  canh tác vườn cây trong mùa khô hạn cho nhà vườn.

Một số cây giống của nhà vườn tỉnh Bến Tre bị chết do thiếu nước ngọt.

TS. Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam khuyến cáo, các giải pháp đưa nước ngọt vào phun tưới cho vườn cây lúc này là cần thiết nhưng nhà vườn phải biết tiết kiệm nước và tuyệt đối không xử lý cho cây ra trái thời điểm này.

“Chúng ta hạn chế tối đa bón phân hóa học. Tại vì nhiều khi chúng ta chủ quan thấy có nguồn nước bón phân hóa học, mà khi bón phân thì cây nó sẽ  ra tượt non, lá non, thậm chí ra hoa, ra trái, cực kỳ nguy hiểm. Chỉ tưới lượng nước vừa phải để cây đủ chống chịu giai đoạn này. Tôi nghĩ về chiến lược lâu dài phải trữ nguồn nước” - TS. Võ Hữu Thoại nói.

So với cây lúa, hoa màu thì cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần. Khi bị thiệt hại do khô hạn thì việc khắc phục lại vườn cây phải mất thời gian dài.  Do đó, việc phòng chống hạn, mặn bảo vệ vườn cây ăn trái vùng ĐBSCL cần được quan tâm từ mùa khô hạn này cũng như các năm tiếp theo; trong đó áp dụng các giải pháp khả thi phù hợp với từng địa bàn, từng loại cây ăn trái, chú trọng trồng những loại cây đặc sản có giá trị kinh tế vừa thích nghi với hạn mặn.

“Hiện nay, chúng tôi đang tuyên truyền bà con giữ ẩm gốc cây; rồi chúng ta ngăn không cho nước mặn vào. Chẳng thà  hạn một chút để cho cây cằn một chút, còn hơn để cho cây chết vì mặn. Hiện nay, một số nơi có giải pháp chuyền nước  nhưng đấy chỉ là giải pháp bắt buộc không có giải pháp nào khác. Tình hình xâm nhập mặn lâu dài, ngày càng khốc liệt, cho nên chúng ta vừa ứng phó vừa thích nghi” - ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết.

Công tác ứng phó với hạn mặn để cứu vườn cây đặc sản ở vùng ĐBSCL đang thực hiện khẩn trương, quyết liệt. Song do thiên tai bất thường, khô hạn kéo dài, thiệt hại  đối với vườn cây ăn quả là không thể tránh khỏi. Bài học kinh nghiệm từ đợt hạn mặn này, nhất là các giải pháp công trình và phi công trình; các mô hình ứng phó với thiên tai có hiệu quả sẽ được rút ra và ứng dụng thành công hơn trong thời gian tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khai mạc Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cây ăn quả tỉnh Hòa Bình
Khai mạc Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cây ăn quả tỉnh Hòa Bình

VOV.VN - Sáng nay (14/11), tại Hà Nội, khai mạc Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cây ăn quả có múi và nông thuỷ sản an toàn, chất lượng tỉnh Hoà Bình năm 2019.

Khai mạc Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cây ăn quả tỉnh Hòa Bình

Khai mạc Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cây ăn quả tỉnh Hòa Bình

VOV.VN - Sáng nay (14/11), tại Hà Nội, khai mạc Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cây ăn quả có múi và nông thuỷ sản an toàn, chất lượng tỉnh Hoà Bình năm 2019.

Sơn La có 163 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu
Sơn La có 163 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu

VOV.VN - 50 mã vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia và 113 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Sơn La có 163 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu

Sơn La có 163 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu

VOV.VN - 50 mã vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia và 113 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng cây ăn quả
Thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng cây ăn quả

VOV.VN - Mỗi năm từ trồng cây ăn quả, gia đình Đặng Thị Thu Hằng ở Tiểu khu 11, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn, Sơn La) thu nhập gần 200 triệu đồng.

Thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng cây ăn quả

Thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng cây ăn quả

VOV.VN - Mỗi năm từ trồng cây ăn quả, gia đình Đặng Thị Thu Hằng ở Tiểu khu 11, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn, Sơn La) thu nhập gần 200 triệu đồng.