Hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt để lừa người tiêu dùng
VOV.VN -Một số nhà sản xuất sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng, mua hàng ngoại nhập giá rẻ rồi dán mác “hàng Việt Nam chất lượng cao”để lừa khách hàng.
Thành công lớn sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là đã thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng hàng Việt của người tiêu dùng. Thế nhưng, lợi dụng niềm tin của khách hàng, một số nhà sản xuất, kinh doanh sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng, mua hàng ngoại nhập giá rẻ rồi dán mác “hàng Việt Nam chất lượng cao”để lừa khách hàng. Hành vi lừa đảo này cần phải được chặn đứng nếu không người tiêu dùng sẽ mất dần niềm tin, quay lưng với hàng Việt.
Sau 5 năm thực hiện “Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tại thành phố Đà Nẵng sức tiêu thụ hàng Việt tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tăng lên 30%. Nhiều người từ chỗ “sính hàng ngoại” nay chuyển sang dùng hàng Việt Nam. Đáng tiếc, giữa lúc hàng Việt Nam từng bước chinh phục người tiêu dùng thì một số nhà sản xuất, kinh doanh vì hám lợi, sẵn sàng mua hàng trôi nổi, hàng ngoại giá rẻ về dán mác “hàng Việt Nam chất lượng cao” để trục lợi.
Bà Nguyễn Thị Hải ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết, thấy mẫu mã hàng Việt ngày càng đẹp, chất lượng, giá cả phải chăng nên bà dùng hàng Việt. Thế nhưng, không ít lần bà mua phải hàng Trung Quốc dán mác “hàng Việt Nam chất lượng cao. Bà Hải mong muốn cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra kiểm soát, xử lý nghiêm hàng trôi nổi dán mác Việt Nam, để hàng Việt Nam tốt hơn, người tiêu dùng tin tưởng hơn.
Hiện nay, theo ông Nguyễn Long Trung, Giám đốc Siêu thị Coopmart Đà Nẵng, hàng Việt chiếm đến 90% sản phẩm bán tại siêu thị Coopmart. Khách hàng lựa chọn hàng Việt cũng tăng dần. Công ty ưu tiên bố trí địa điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam vào bán tại siêu thị và yêu cầu doanh nghiệp phải cam kết chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Siêu thị Coopmart cũng triển nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu thụ hàng Việt. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Long Trung, Siêu thị Coopmart Đà Nẵng cũng đã từ chối, trả lại nhiều lô hàng không đảm bảo chất lượng, xuất xứ hoặc nhãn mác bị thay đổi: “Đối với những cơ sở sản xuất lợi dụng việc đó thì tôi cũng lên án, hoàn toàn tẩy chay và không ủng hộ doanh nghiệp này. Đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ, các cơ sở sản xuất thường đưa các hàng hóa kém chất lượng về vùng sâu vùng xa, vì người dân ít có điều kiện tiếp cận hàng hóa có chất lượng. Tôi nghĩ, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra” – ông Trung nói.
Hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, 5 năm qua, thành phố Đà Nẵng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với nhiều hình thức như: đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức hàng chục phiên chợ hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn với giá bán thấp hơn thị trường từ 5% đến 15% để kích cầu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng cũng phát hiện, xử lý gần 19.500 vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, tịch thu hàng trăm nghìn sản phẩm hàng hóa nhập lậu. Thực tế, số vụ vi phạm bắt và xử lý chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”. Bởi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại ngày gia tăng và diễn biến phức tạp.
Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng cũng thừa nhận, thời gian qua, rất nhiều sản phẩm từ Trung Quốc, Thái Lan... khi nhập về Việt Nam, một số doanh nghiệp tự thay đổi nhãn mác, xuất xứ hàng hóa, làm mất niềm tin người tiêu dùng.
Cuối năm là thời điểm để các nhà sản xuất kinh doanh tung ra thị trường nhiều hàng hóa. Người tiêu dùng không phải ai cũng đủ thông thái để phân biệt được hàng thật - hàng giả, nguồn gốc rõ ràng. Hành vi lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt của một số nhà sản xuất, kinh doanh cần phải được lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm. Có như vậy, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mới thực sự thành công như mong đợi./.