Hết hạn mức đất công nghiệp, tỉnh Quảng Nam không thể thành lập khu công nghiệp
VOV.VN - Sáng nay (26/6) Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã làm việc và khảo sát tại tỉnh Quảng Nam.
Đoàn công tác đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị Trung ương sớm tháo gỡ vướng mắc liên quan chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp của tỉnh đã được phân bổ đến năm 2025.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 23, ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ngành công nghiệp trở thành động lực chính trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 14 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.676 ha, thu hút được 248 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đăng ký đầu tư 81.430 tỷ đồng. 53/59 cụm công nghiệp tại Quảng Nam đã thu hút được các doanh nghiệp vào đầu tư, tỷ lệ lấp đầy đạt 71,22%.
Đến nay, hệ thống giao thông đường bộ, sân bay, cảng biển tại tỉnh Quảng Nam được đầu tư đồng bộ. Tỉnh Quảng Nam ban hành nhiều cơ chế, chính sách kết nối, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh khoa học công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp.
Đến năm 2022, tổng số doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh này khoảng 1.440 doanh nghiệp, gấp 1,3 lần so với năm 2018. Tỉnh Quảng Nam tập trung thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, như: sản xuất và lắp ráp ô tô, cơ khí, hỗ trợ, dệt may, da giày. Năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Nam đạt 16.280 tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2018 - 2023 tăng 2,3%/năm.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 23, ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị, các mục tiêu cụ thể về phát triển công nghiệp tại tỉnh Quảng Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Phát triển công nghiệp của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng. Việc dịch chuyển công nghiệp theo vùng lãnh thổ còn chậm. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các khu, cụm công nghiệp tại tỉnh Quảng Nam chưa hoàn chỉnh và đồng bộ.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai, phù hợp với nội dung dự thảo Luật phát triển Công nghiệp mà Bộ Công Thương đang chủ trì.
UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Đề cương và dự toán xây dựng Đề án hình thành và phát triển Trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ silica trên địa bàn. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng nêu lên những vướng mắc, bất cập liên quan chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp của tỉnh đã được phân bổ đến năm 2025. Theo phương án phát triển khu công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam quy hoạch phát triển 20 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch dự kiến hơn 10.165 ha.
Trong đó, 14 khu công nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền với tổng diện tích 3.310,67 ha. Trong khi đó, chỉ tiêu đất khu công nghiệp đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh Quảng Nam chỉ 2.725 ha, thấp hơn tổng diện tích đất của các dự án khu công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Như vậy, trong những năm tới, tỉnh Quảng Nam không thể xây dựng thêm các khu công nghiệp mới theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam đề nghị: "Không để xảy ra tình trạng vì chậm thủ tục mà làm nản lòng nhà đầu tư. Tôi đề nghị Trung ương đẩy mạnh việc phân cấp, uỷ quyền đi vào thực chất hơn. Việc uỷ quyền ở đây liên quan đến quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quyết định nguồn lực, việc quyết định chỉ tiêu sử dụng đất, đặc biệt là chỉ tiêu đất khu công nghiệp".
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập xây dựng báo cáo sơ kết Nghị quyết số 23 và Nghị quyết số 52 đánh giá cao kết quả mà tỉnh Quảng Nam đã đạt được trong việc thực hiện các Nghị quyết vừa nêu. Đoàn công tác đã ghi nhận và tiếp thu các ý kiến, đề xuất của tỉnh để bổ sung vào báo cáo trình Bộ Chính trị.
"Theo quan điểm của tôi, Trung ương chỉ nên quản lý một số chỉ tiêu đất cơ bản thôi, nhiều địa phương cũng cho rằng Trung ương nên phân cấp, uỷ quyền chứ không nên quản lý chỉ tiêu đất khu công nghiệp. Chủ trương của Đảng về phân cấp, phân quyền đã rõ thì bây giờ phải đươc thể chế hoá. Chứ bây giờ quy hoạch của tỉnh đã được xây dựng và công bố rồi sau này có phát sinh vướng mắc lại tiếp tục xin ý kiến từ bộ này sang bộ khác thì quá mất thời gian và không hiệu quả" - ông Nguyễn Đức Hiển nói.