Hiện đại hóa ga Đồng Đăng tăng năng lực thông quan hàng hóa
VOV.VN - Nhà quản lý và các doanh nghiệp cho rằng, nếu được đầu tư cải tạo ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng sẽ nâng cao năng lực thông quan hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng là ga cuối cùng của tuyến đường sắt Gia Lâm (Hà Nội) - Đồng Đăng (Lạng Sơn). Có vai trò quan trọng trong hoạt động XNK hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc. Nhưng hiện nay hạ tầng cửa khẩu Ga Đồng Đăng đang xuống cấp, không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Thời điểm năm 2021-2022 khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, phần lớn cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn cũng như trên cả nước phải tạm ngưng hoạt động, nhưng cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng lại rất sôi động. Tuy nhiên, tính đến hết quý III/2023, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ở tất cả các loại hình qua cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng đều giảm sút, kim ngạch chỉ đạt khoảng 87,2 triệu USD.
Hiện cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng chỉ có 1 địa điểm kiểm tra giám sát hàng hóa là bãi hóa trường, do Chi nhánh Ga Đồng Đăng quản lý, khai thác. Khu vực bãi chứa hàng hóa làm thủ tục XNK không có tường rào ngăn cách với khu vực xung quanh, nên không đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan. Ngoài ra, lối vào bãi không được trang bị hệ thống kiểm soát phương tiện; khu vực bãi hóa trường không có lối ra vào riêng để sử dụng tách biệt giữa khu lưu giữ hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh với hàng nội địa...
Ông Mỗ Hoàng Đại, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng cho biết, rào cản lớn chủ yếu vẫn là do cơ sở hạ tầng của ga chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển của hoạt động xuất nhập khẩu. “Cơ sở hạ tầng tại ga chưa được đầu tư đồng bộ, nên việc vận chuyển hàng hóa từ nội địa xuất khẩu sang Trung Quốc, cũng như sang các nước khác bị hạn chế. Hy vọng phía công ty đường sắt và các cấp liên quan có thể nâng cấp đồng bộ tuyến đường sắt, như vậy sẽ tạo điều kiện rất lớn cho hoạt động XNK”, ông Đại đề xuất.
Hiện tuyến đường bộ kết nối từ tuyến quốc lộ vào ga cũng không đảm bảo cho việc vận chuyển hàng hóa ra - vào. Cùng đó là việc vận chuyển từ Ga Đồng Đăng kết nối tới Ga Gia Lâm (Hà Nội) và đến các tỉnh khác, nhất là các tỉnh phía Nam gặp khó khăn do khác khổ đường sắt, dẫn đến DN phải sang tải, chuyển tàu, tăng chi phí bốc xếp, kho bãi… Các đường ray chứa toa trong ga lại rất ngắn, chỉ có thể xếp tối đa 25 toa tàu hàng nên khó đáp ứng được yêu cầu nếu như lượng hàng hóa qua ga tăng đột biến.
Ông Tạ Duy Hiển, Phó Giám đốc Chi nhánh Ga Đồng Đăng cho biết, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai dự án cải tạo, nâng cấp các hạng mục kho bãi hóa trường trong khu vực Ga Đồng Đăng. Dự kiến hoàn thiện cuối năm 2024, dự án sẽ giúp cải thiện hoạt động vận hành của ga cũng như nâng cao năng lực xuất nhập khẩu, thu hút doanh nghiệp.
“Dự án của Bộ giao thông Vận tải đang thực hiện đầu tư, cải tạo, nâng cấp bãi hóa trường của Ga Đồng Đăng. Cụ thể là làm lại toàn bộ mặt bằng bãi, cải tạo khá nhiều hạng mục, đầu tư mới thêm 2 đường để thực hiện xếp, dỡ hàng hóa và xây dựng kho bãi khoảng 1.000 m2, cải tạo lại toàn bộ hệ thống kho cũ, xây nhà điều hành... qua đó góp phần phục vụ đáng kể cho hoạt động XNK tại đây”, ông Hiển cho hay.
Vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt là một trong những phương thức vận chuyển an toàn và có giá thành thấp nhất. Nếu được đầu tư đúng mức, cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn. Đây sẽ trở thành cửa ngõ chính cho hoạt động XNK, thương mại, dịch vụ, du lịch và giao thương hàng hóa không chỉ riêng tỉnh Lạng Sơn mà còn giữa khu vực Đông Bắc Việt Nam với Trung Quốc và ngược lại.