Hiến pháp sửa đổi cần làm rõ quyền tự do kinh doanh

(VOV) -Bản dự thảo đã khẳng định "Mọi doanh nhân trong các thành phần kinh tế đều bình đẳng".

Điểm nổi bật này của bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp được các ý kiến nêu ra tại “Hội thảo góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp” do VCCI tổ chức sáng 19/3.

Đội ngũ doanh nhân có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nhất thiết phải có từ "doanh nhân" trong Hiến pháp?

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng: Chương III của Hiến pháp (sửa đổi) viết khá dài nhưng vẩn chưa dựa trên tư duy phát triển mới để giải quyết những trở lực lớn trên con đường chấn hưng đất nước, vẫn là kinh tế thị trường định hướng XHCN, vẫn là các thành phần kinh tế (theo quan điểm giai cấp), nhà nước quản lý…

Theo ông Mại, ta cần làm nổi bật hơn vai trò doanh nghiệp dân tộc đã được đề cập đến trong một vài văn kiện của Đảng, mà việc xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dân tộc nhanh chóng làm chủ thị trường trong nước và đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế là quan trọng nhất. Đồng thời, cần nhấn mạnh chức năng của Nhà nước trước hết là người tạo môi trường đầu tư và kinh doanh hấp dẫn, là bà đỡ để doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi nhất trong kinh doanh, tích lũy vốn, đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển… bằng hệ thống luật pháp ngày càng hoàn thiện theo kinh tế thị trường.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần khuyến khích mọi công dân thực sự dân chủ trong việc đề ra ý tưởng mới, sáng kiến, phát minh mới, được Nhà nước bảo hộ và tạo điều kiện về pháp luật và tài chính để đưa vào sản xuất, kinh doanh, quản lý nhà nước và xã hội. 

Cùng góp ý về vai trò của doanh nhân trong dự thảo Hiến pháp, ông Lê Duy Bình - Economica Vietnam cho biết, xuyên suốt trong bản Hiến pháp 1992 cũng như bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp này, cụm từ doanh nhân cũng không được đề cập. Điều này gây không ít băn khoăn cho một cộng đồng không nhỏ những người đang ngày đêm cần mẫn làm công việc kinh doanh, với mục tiêu là tạo ra của cải cho bản thân, xã hội và vì sự thịnh vượng của quốc gia.

Mỗi năm ở nước ta có gần 80.000 doanh nghiệp ra đời. Hiện nay, cả nước đã có trên 600.000 DN và 1 triệu hộ kinh doanh cá thể, 133.000 hợp tác xã và trang trại. Nếu chỉ tính mỗi DN có từ 2-3 doanh nhân và mỗi hộ kinh doanh cá thể và trang trại có một doanh nhân thì cả nước đã có trên 2 triệu doanh nhân đang ngày đêm miệt mài lao động nhằm tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, tạo ra của cải bản thân, cho xã hội và quốc gia qua phụng sự xã hội.

Tuy với vai trò quan trọng như vậy đối với sự phát triển của đất nước, sự thịnh vượng và sự tiến bộ xã hội của nước ta, nhưng doanh nhân gần như không được đề cập trong bản Hiến pháp 1992 cũng như bản dự thảo sửa đổi bản Hiến pháp. Bản Dự thảo tiếp tục khẳng định về quyền tự do kinh doanh của người dân, khẳng định về mô hình nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Cộng đồng doanh nhân rất vui mừng và phấn khởi với những khẳng định này. Đặc biệt, bản Dự thảo hiến pháp đã không đề cập tới vai trò chủ đạo của DNNN. Mọi doanh nhân trong các thành phần kinh tế đều được coi là bình đẳng.

Nhưng cộng đồng doanh nhân không khỏi chạnh lòng khi không thấy tên mình trong nền tảng của quyền lực nhà nước và của nhân dân. Điều 2 của Dự thảo Hiến pháp như hiện nay “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” đã tạo cảm giác cộng đồng doanh nhân vẫn còn bị phân biệt đối xử, và vai trò cũng như đóng góp của họ chưa được đánh giá một cách tương xứng.

Giới doanh nhân mong muốn các nhà xây dựng Hiến pháp sự đánh giá đầy đủ hơn về các nỗ lực của họ vì sự giàu có của đất nước, vì sự tiến bộ của xã hội và cân nhắc cách thể hiện nội dung này nhằm loại bỏ sự thể hiện còn mang tính phân biệt đối xử, ngay trong bộ luật gốc này. 

Cùng chia sẻ về nội dung này, Luật gia Vũ Xuân Tiền - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội khẳng định: Trong giai đoạn mới của sự phát triển nền kinh tế quốc dân, doanh nhân là lực lượng có vị trí đặc biệt quan trọng. “Song, thật đáng buồn, trong 124 Điều của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, cụm từ "doanh nhân" không hề được xuất hiện. Điều đó có nghĩa là, một "lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" đã bị Ban soạn thảo Dự thảo Hiến pháp sửa đổi...bỏ quên” – ông Tiền chia sẻ.

Vì thế, ông kiến nghị làm rõ vai trò của đội ngũ doanh nhân trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi với một trong những phương án sau: 

Bổ sung vào Điều 2 Dự thảo Hiến pháp sửa đổi như sau: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân".

Bổ sung vào khoản 2 Điều 34 DTHP sửa đổi như sau: 2. Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân được nhà nước khuyến khích để ngày càng lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao trong hoạt động kinh doanh.

Quyền và nghĩa vụ của doanh nhân cần được làm rõ

Theo quan điểm của ông Vũ Quốc Tuấn- Nguyên Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ (1993-2006). Năm 1990, việc ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty, tiếp theo đó là Luật Doanh nghiệp 1999 đã đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc hình thành và phát triển doanh nhân, song phạm vi hoạt động của kinh tế tư nhân vẫn còn bị hạn chế. Những năm trước, trong các văn kiện Đại hội Đảng, vẫn chưa có danh từ “doanh nhân”. Cho đến Đại hội lần thứ IX của Đảng (tháng 4-2001) mới bắt đầu dùng khái niệm “nhà doanh nghiệp”, đến Đại hội lần thứ X của Đảng (tháng 4-2006) mới dùng khái niệm “doanh nhân”, đến nay khái niệm này đã được sử dụng phổ biến và từ năm 2004, ngày 23 tháng 10 hằng năm đã được Chính phủ quyết định lấy làm “Ngày Doanh nhân”.

Trước yêu cầu của thời kỳ mới của công cuộc phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, Hiến pháp cần có những quy định thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nhân nhằm xây dựng tầng lớp doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội, có đủ năng lực, trình độ để điều hành, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao.   

Cụ thể, theo phân tích của ông Tuấn, về vị trí của doanh nhân trong xã hội, trong Điều 2 Dự thảo, không nên quy định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” mà chỉ cần quy định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” là đủ, thể hiện rõ hơn tư tưởng đại đoàn kết toàn dân, tránh phân biệt đối xử.

Về sở hữu và tự do kinh doanh: Tại Điều 34 Dự thảo quy định “1. Mọi người có quyền tự do kinh doanh. 2. Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh” và Điều 56 Dự thảo quy định “1. Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật. 2. Nhà nước thực hiện chính sách chống độc quyền và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. 3. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa …”. Điều 55 Dự thảo quy định “1. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường …” là một điểm mới rất quan trọng về chức năng của Nhà nước trong kinh tế thị trường, khác với Điều 26 Hiến pháp 1992, khẳng định rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nhân trong kinh doanh.

Ông kiến nghị: Sau khoản 2 “Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh” cần bổ sung “Nhà nước tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nhân trong sản xuất kinh doanh”; có những điều khoản để bảo đảm thực hiện các quy định này trong thực tế, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng các quy định này.  

Về bình đẳng trong kinh doanh. Điều 54 Dự thảo quy định “1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. 2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”. Quy định này không nhắc lại luận điểm lâu nay là “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” có thể coi là một bước đột phá quan trọng, bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Xin đề nghị: nên tiến thêm một bước, khẳng định kinh tế tư nhân (bao gồm kinh tế cá thể và tư bản tư nhân) là bộ phận chủ lực của nền kinh tế, với vai trò không thể thiếu đã được thể hiện qua thực tế cuộc sống trong việc bảo đảm phát triển bền vững, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo,giải quyết các vấn đề xã hội .

Quyền tham gia quản lý nhà nước, cần sửa lại Điều 74 Dự thảo “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp” theo nguyên lý Hiến pháp là do dân làm ra và quyết định; dân là chủ thể của quyền lập hiến, việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp là đương nhiên phải được thực hiện, không nên để Quốc hội quyết định.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng kiến nghị việc doanh nhân cần được bảo vệ bằng các tổ chức xã hội dân sự: Để khắc phục sự lạm quyền có thể xảy ra của các cơ quan nhà nước, bên cạnh các quy định về kiểm soát, hạn chế quyền lực đã ghi trong Hiến pháp, cần có thêm quy định Nhà nước khuyến khích và tạo thuận lợi cho các tổ chức xã hội hoạt động nhằm nâng cao trình độ, năng lực, trợ giúp doanh nhân trong quản lý, điều hành và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nhân, doanh nghiệp.

Góp ý về điều 56: Quyền và nghĩa vụ của doanh nhân, doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Lập- VPLS NH Quang và Cộng sự cho biết, Khoản 1, Điều 56 ghi rằng: “Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật”. Điều này vừa có sự trùng lắp, tối nghĩa. Cụ thể là: Nếu nói về quyền tư do kinh doanh của người dân thì Điều 34 trong Chương II (Quyền con người và Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân) đã quy định. Còn khi nhắc đến nghĩa vụ thì Điều 50 cũng đã yêu cầu: “Mọi công dân có nghĩa vụ nộp thuế”. Vậy thì điều này không cần phải quy định thêm nữa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chủ tịch nước gặp mặt các doanh nhân tiêu biểu
Chủ tịch nước gặp mặt các doanh nhân tiêu biểu

(VOV) - Chiều 13/10, nhân ngày doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp mặt đoàn đại biểu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.

Chủ tịch nước gặp mặt các doanh nhân tiêu biểu

Chủ tịch nước gặp mặt các doanh nhân tiêu biểu

(VOV) - Chiều 13/10, nhân ngày doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp mặt đoàn đại biểu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.

Phó Chủ tịch nước tiếp đại biểu doanh nhân 3 miền
Phó Chủ tịch nước tiếp đại biểu doanh nhân 3 miền

(VOV) -Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục đoàn kết, vượt khó khăn.

Phó Chủ tịch nước tiếp đại biểu doanh nhân 3 miền

Phó Chủ tịch nước tiếp đại biểu doanh nhân 3 miền

(VOV) -Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục đoàn kết, vượt khó khăn.

Doanh nhân Việt tại Lào kỷ niệm Ngày doanh nhân
Doanh nhân Việt tại Lào kỷ niệm Ngày doanh nhân

(VOV) - Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đứng đầu nhóm các Quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào.

Doanh nhân Việt tại Lào kỷ niệm Ngày doanh nhân

Doanh nhân Việt tại Lào kỷ niệm Ngày doanh nhân

(VOV) - Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đứng đầu nhóm các Quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào.

Doanh nhân Trung Quốc bán ‘khí sạch’ đóng lon
Doanh nhân Trung Quốc bán ‘khí sạch’ đóng lon

(VOV) - Trước tình hình ô nhiễm không khí nặng ở Bắc Kinh, một doanh nhân nước này quyết định cung cấp các lon khí với nhiều ‘hương vị’.

Doanh nhân Trung Quốc bán ‘khí sạch’ đóng lon

Doanh nhân Trung Quốc bán ‘khí sạch’ đóng lon

(VOV) - Trước tình hình ô nhiễm không khí nặng ở Bắc Kinh, một doanh nhân nước này quyết định cung cấp các lon khí với nhiều ‘hương vị’.

Doanh nhân Việt thành công trên đất Nhật Bản
Doanh nhân Việt thành công trên đất Nhật Bản

Ông Trần Ngọc Phúc, một Việt Kiều ở Nhật Bản, đã nghiên cứu, chế tạo thành công các thiết bị y tế phục vụ tốt cho công tác chữa bệnh.

Doanh nhân Việt thành công trên đất Nhật Bản

Doanh nhân Việt thành công trên đất Nhật Bản

Ông Trần Ngọc Phúc, một Việt Kiều ở Nhật Bản, đã nghiên cứu, chế tạo thành công các thiết bị y tế phục vụ tốt cho công tác chữa bệnh.

Hai nữ doanh nhân Việt Nam vào top quyền lực nhất châu Á
Hai nữ doanh nhân Việt Nam vào top quyền lực nhất châu Á

Bà Mai Kiều Liên- Chủ tịch Vinamilk và bà Phạm Thị Việt Nga- Chủ tịch DHG đã lọt vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á

Hai nữ doanh nhân Việt Nam vào top quyền lực nhất châu Á

Hai nữ doanh nhân Việt Nam vào top quyền lực nhất châu Á

Bà Mai Kiều Liên- Chủ tịch Vinamilk và bà Phạm Thị Việt Nga- Chủ tịch DHG đã lọt vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á