Hoa Đà Lạt mở khóa công nghệ để tăng sức cạnh tranh
VOV.VN - Trước xu thế thương mại hóa toàn cầu, nghề trồng hoa ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt, ngay cả trên thị trường nội địa. Để hoa trở thành ngành hàng bền vững, tỉnh đang xây dựng kế hoạch và "mở khóa" công nghệ, phấn đấu đưa sản lượng hoa xuất khẩu đạt 50% thay vì 11% như hiện nay.
Trang trại Hoa Chi An ở phường 12, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hiện đã thành địa chỉ đến tham quan, học tập của nhiều tổ chức, cá nhân trồng hoa trên địa bàn. Toàn bộ quá trình sản xuất mô giống và hoa tươi ở đây đều được điều khiển số hóa, quản lý bằng phần mềm công nghệ. Từ đó, vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất vừa nâng cao giá trị sản phẩm, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Hồ Vũ Quốc Hùng, chủ trang trại Hoa Chi An cho biết: “Công nghệ là chìa khóa không những tăng sức hút cho hoa Đà Lạt mà còn mở ra những tiềm năng mới, những loài hoa mới... Từ đó chúng ta giới thiệu và cung ứng ra thị trường”.
Với diện tích trồng hoa hơn 10.000 ha, sản lượng năm 2024 đạt 4,4 tỷ cành, Đà Lạt - Lâm Đồng đứng đầu cả nước về ngành sản xuất hoa. Hiện, thành phố có 400 loài với hàng ngàn giống hoa và tiếp tục được bổ sung giống mới bằng con đường nhập khẩu có bản quyền.
Theo ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cùng với điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp cho canh tác đa dạng các loài hoa quanh năm, việc du nhập các công nghệ hiện đại, như giống, vật tư, trang thiết bị và ứng dụng công nghệ cao, thông minh trong sản xuất đã đưa nghề trồng hoa của Đà Lạt - Lâm Đồng phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, tỷ lệ xuất khẩu hoa Đà Lạt mới đạt khoảng 11% sản lượng, và ngành hoa của Đà Lạt - Lâm Đồng đang chịu cạnh tranh khốc liệt khi sản lượng hoa nhiều nước ở mức cao, trong khi sức tiêu thụ hoa trên toàn cầu bị giảm sút.
Ông Phan Thanh Sang nhận định, ngoài áp dụng khoa học công nghệ trong canh tác- thu hoạch, yếu tố giống là then chốt để nâng cao sức cạnh tranh cả hoa Đà Lạt: “Liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất các loại cây giống hàng đầu thế giới để hợp tác sản xuất cây giống tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, một số loại hoa, sản phẩm hoa cắt cành có lợi thế riêng của Đà Lạt - Lâm Đồng thì cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất”.
Theo Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, trước những thách thức đang gặp phải, tỉnh sẽ đề ra chiến lược phát triển ngành hoa Đà Lạt - Lâm Đồng bền vững, hiệu quả, cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, nâng sản lượng hoa toàn tỉnh đạt 5,4 tỷ cành và 0,5 tỷ chậu hoa các loại; giá trị sản xuất ngành hoa đạt hơn 15.000 tỷ đồng, giá trị thu hoạch bình quân đạt hơn 3,7 tỷ đồng/ha và kim ngạch xuất khẩu hoa đạt hơn 217 triệu USD. Đến năm 2050, cơ bản toàn bộ sản lượng hoa Đà Lạt được tiêu thụ qua các trung tâm logistics hiện đại, với trên 50% sản lượng hoa được xuất khẩu.
Thực thi chiến lược này, Hiệp hội Hoa Đà Lạt là đơn vị đầu tiên được tỉnh chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 57, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, giải pháp khoa học - công nghệ là cốt lõi, đột phá lớn nhất để phát triển ngành hoa và tăng tỷ lệ xuất khẩu.
“Tổ chức lại sản xuất, đầu tư trong giải pháp khoa học và công nghệ, và nghiên cứu chọn lại giống. Đặc biệt, chúng ta cần khai thác những giống, những bộ gen mà thuộc về đa dạng sinh học của tỉnh Lâm Đồng để chọn lựa những giống đặc trưng, đặc thù của Đà Lạt - Lâm Đồng có giá trị cao. Để chúng ta có đủ điều kiện để quảng bá hình ảnh tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Phạm S nói.
Ngành hoa Đà Lạt - Lâm Đồng đang đối mặt với những thách thức không nhỏ trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, với những định hướng chiến lược rõ ràng, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ cùng với những cải tiến trong sản xuất giống hoa, Đà Lạt không chỉ duy trì được sức cạnh tranh, mà còn phát triển bền vững, nâng cao vị thế của mình trên thị trường thế giới.