Hơn 100 tập đoàn đa quốc gia sẽ bị đánh thuế ít nhất 15%
VOV.VN - Dự kiến, việc áp dụng thỏa thuận sẽ chính thức bắt đầu từ năm 2023 và có thể mang lại cho các quốc gia khoảng 150 tỷ USD/năm.
Sau 2 ngày đàm phán tại Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế - OECD, 130 quốc gia trên thế giới đã có một thỏa thuận quy định việc đánh thuế ít nhất 15% đối với hơn 100 tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới.
130 trong tổng số 139 quốc gia tham gia vào các cuộc thảo luận, diễn ra trong khuôn khổ Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế - OECD đã đồng ý ký tên vào thỏa thuận mới. Theo thỏa thuận này, các tập đoàn đa quốc gia sẽ phải chịu mức thuế ít nhất 15%, đồng thời phải chuyển một phần lợi nhuận vượt trội cho các quốc gia - nơi các tập đoàn này tiến hành công việc kinh doanh, dù quốc gia đó không phải là nơi đăng ký trụ sở.
Được thúc đẩy từ Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Anh đầu tháng 6/2021, đề xuất về việc đánh thuế tối thiểu đối với các tập đoàn đa quốc gia được xem là công cụ để đấu tranh với các tập đoàn lớn, luôn tìm cách trốn thuế thông qua các hình thức chuyển giá hay đăng ký hoạt động tại các thiên đường thuế.
Thỏa thuận nhận được sự ủng hộ của 130 nước, trong đó bao gồm toàn bộ các nền kinh tế lớn trên thế giới, gồm các nước G7 và G20, chiếm 90% GDP thế giới. Các thảo luận kỹ thuật chi tiết hơn sẽ tiếp tục được tiến hành tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 diễn ra vào hai ngày 9-10/7 tại Venise (Italy) cũng như tại Thượng đỉnh G20 vào tháng 10 tại Italy.
Dự kiến, việc áp dụng thỏa thuận sẽ chính thức bắt đầu từ năm 2023 và có thể mang lại cho các quốc gia khoảng 150 tỷ USD/năm.
Ngay sau khi thỏa thuận được thông qua trong khuôn khổ OECD, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng ca ngợi, cho rằng từ nay các tập đoàn đa quốc gia không còn có thể sử dụng các quốc gia này chống lại các quốc gia khác, nhằm hạ thấp tối đa mức thuế phải đóng.
Bộ trưởng Kinh tế Pháp, Bruno Le Maire thì ca ngợi đây là thỏa thuận về thuế quan trọng nhất trong 1 thế kỷ qua. “Tôi hoan nghênh bước tiến lớn này vì nó mở ra một con đường mới cho việc xây dựng một hệ thống thuế quốc tế mới cho Thế kỷ XXI, điều mà nước Pháp đã yêu cầu từ hơn 4 năm qua. Đây là một thỏa thuận quốc tế mới đầy tham vọng, toàn cầu và đổi mới về thuế quan trọng nhất trong 1 Thế kỷ qua", Bộ trưởng Bruno Le Maire nêu rõ./.