Hơn 51.000 ha lúa đảm bảo chi trả tín chỉ carbon
VOV.VN - Tỉnh Đồng Tháp đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về diện tích sản xuất lúa đảm bảo chi trả tín chỉ carbon (tín chỉ carbon là giấy phép cho phép mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh phát thải khí CO2) trong năm 2024 trên địa bàn hơn 51.900 ha.
Với mục tiêu lớn nhất là giảm chi phí, tăng giá trị sản xuất và đảm bảo môi trường sinh thái, nâng tầm thương hiệu và giá trị hạt gạo của Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Trong đó, Đồng Tháp đăng ký diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn đến năm 2025 là 70.000 ha và đến năm 2030 là 163.000 ha.
Vùng chuyên canh 1 triệu ha lúa chất lượng cao có thể được coi là hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải mà Việt Nam là nước đầu tiên triển khai trên thế giới.
Qua đó, sẽ thu hút sự quan tâm và hỗ trợ của đối tác quốc tế về nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ trước những thách thức về biến đổi khí hậu và an ninh lương thực. Cùng với đó là bán tín chỉ carbon thông qua sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Người nông dân khi tham gia Đề án sẽ được hưởng thành quả do mình làm ra, đồng thời huy động thêm các thành phần kinh tế tham gia khi triển khai Đề án.
Đề án là điểm nhấn và là bước chuyển biến của ngành lúa gạo vùng ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là sự chuyển biến sang giai đoạn mới, thực hiện quy trình giảm chi phí sản xuất cho người dân, nâng cao lợi nhuận và tính chuyên nghiệp của người dân.
Khi đạt được chứng chỉ Carbon thì thương hiệu gạo của Việt Nam sẽ tăng lên, giá bán sẽ cao, nâng được tầm thương hiệu và giá trị gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: “Đây là một sự chuyển biến sang giai đoạn mới, giai đoạn từ tập trung vào lúa chất lượng trên 80% lúa chất lượng cao, chúng ta chuyển sang một hướng nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu đúng với tinh thần của COP 26. Cho nên có thể xác định một dự án đa mục tiêu phải đem lại lợi ích cao cho người dân, vừa thực hiện đúng nhiệm vụ an ninh lương thực, vừa ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua làm việc với Ngân hàng Thế giới về việc chi trả tín chỉ carbon, có khả năng trong năm 2024 có thể chi trả được tín chỉ này cho các diện tích lúa thực hiện VnSAT đảm bảo sản xuất giảm phát thải khí nhà kính (1 phải 5 giảm hoặc 3 giảm 3 tăng + rút nước giữa vụ./.