Hợp tác xã ở Đức có gì đặc biệt?
Với hệ thống hợp tác xã (HTX) phát triển theo chuyên môn hóa, các HTX ở Đức đóng vai trò quan trọng phát triển kinh tế đất nước...
Doanh thu từ HTX đạt tới 50 tỷ USD
Chia sẻ tại hội thảo “Vai trò của HTX và kinh nghiệm từ các HTX ở Đức” mới diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia Đức cho biết, nước Đức có hệ thống HTX đa dạng hoạt động theo chuyên môn hóa gồm: HTX nông nghiệp Raiffeisen; HTX giao thông vận tải; Ngân hàng HTX; Hệ thống liên kết tài chính các ngân hàng HTX; HTX Thương mại dịch vụ tiểu thủ công nghiệp; HTX tiêu dùng và dịch vụ…
Ông Ulrich Werner (Cố vấn cao cấp GRGV) chia sẻ kinh nghiệm phát triển HTX tại Đức. (Ảnh: Phú Lãm)
Ngành nông nghiệp Đức hiện có 17 triệu ha đất canh tác. Toàn quốc có 260.000 doanh nghiệp (DN) có diện tích canh tác lớn hơn 5 ha. Bình quân 59 ha/trang trại; khoảng 50% nông dân (135.400 người) làm việc toàn thời gian.
Tổng doanh thu các HTX nông nghiệp của Đức năm 2010 đạt 38 tỷ euro (khoảng 50 tỷ USD). Sở dĩ, ngành nông nghiệp Đức có những bước phát triển nhảy vọt bởi trong cơ cấu ngành có sự đóng góp quan trọng của Liên đoàn HTX Raiffeisen CHLB Đức (DGRV). Hiện nay, DGRV tại Đức gồm 5 liên đoàn cấp khu vực; 17 HTX đầu mối về Cung ứng và Phân phối; 2.299 HTX Raiffeisen (gồm 981 HTX hàng hóa và dịch vụ; 553 HTX Raiffeisen khác và 765 HTX nông nghiệp).
Là thành phần quan trọng của nền kinh tế, các HTX tại Đức (khoảng 18 triệu thành viên) đang quản lý 400 xưởng máy nông nghiệp; 715 đại lý cung ứng vật liệu xây dựng; 1,600 chợ Raiffeisen; 250.000 ha đất canh tác cây trồng cho DN sản xuất năng lượng; 5 triệu tấn phân bón tại Đức; 1.600 siêu thị kinh doanh vật liệu, nông cụ; 670 siêu thị xây dựng, điện máy; 850 cửa hàng xăng dầu…
Nền nông nghiệp có tính cạnh tranh cao
Ông Christian Staacke- Phó Giám đốc Dự án hỗ trợ phát triển HTX của DGRV tại Việt Nam cho biết, các HTX tại Đức hiện thực hiện các nhiệm vụ: Nghiên cứu thị trường; điều tiết các thị trường địa phương và khu vực; tư vấn định hướng theo sản phẩm; cho vay vốn; cung ứng và tư vấn cho thị trường giao thương; mua bán vật tư nông nghiệp; thu mua và lưu trữ nông sản…
Đồng thời, vị chuyên gia này đúc kết 3 nguyên tắc “vàng” phát triển HTX: Nguyên tắc “Tự chịu trách nhiệm” (các thành viên tự nguyện đóng góp tài chính, các nguồn lực khác hỗ trợ lẫn nhau); “Tự quản lý” (tự tổ chức dựa trên điều lệ, quy chế, thông qua đại hội thành viên để thống nhất điều lệ, bình chọn ban lãnh đạo. Mọi thành viên đều có thể trở thành lãnh đạo HTX); “Tự chịu trách nhiệm” (thành viên phải đóng góp tài chính theo nhu cầu phát triển của HTX. Tất cả các thành viên chịu trách nhiệm cho sự thành công, thất bại của HTX).
Ông Ulrich Werner (cố vấn cao cấp GRGV) chia sẻ, có sự phát triển như vậy đối với khu vực HTX ở Đức là nhờ chủ trương, chính sách xây dựng nền nông nghiệp có tính cạnh tranh cao và bền vững. Ngoài ra, nông nghiệp được giao nhiệm vụ mới: Cấp các sản phẩm nguyên vật liệu cho công nghiệp; thực hiện bảo tồn chăm sóc môi trường; hơn 30% diện tích đất canh tác nông nghiệp được khai thác, sử dụng theo phương pháp ít tổn hại nhất đến môi trường. Hiện nay, các chính sách nông nghiệp của Đức do Ủy ban châu Âu quyết định. Nhưng, nhà nước Đức vẫn có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho các HTX” - ông Werner nói./.
Việt Nam lỡ nhiều cơ hội xuất khẩu lớn vì mất an toàn thực phẩm