Hướng đi nào bền vững cho trái thanh long?
VOV.VN - Thời gian gần đây, do xuất khẩu hút hàng nên giá trái thanh long thương phẩm ở tỉnh Tiền Giang ở mức cao, nhà vườn có lãi khá. Tuy nhiên, điều quan tâm của các nhà vườn cũng như các cấp quản lý là làm sao để giữ được giá, tránh tình trạng chặt- trồng - chặt... chạy theo thị trường.
Hiện nay, nhà vườn địa phương đang tích cực cải tạo vườn cây theo hướng an toàn sinh học, nâng chất lượng sản phẩm để duy trì đầu ra ổn định.
Gia đình bà Huỳnh Thị A, nhà vườn xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo đang mót vét cắt từng trái thanh long còn lại để bán. Dù trái thanh long loại 3 nhưng thương lái mua với giá 25 nghìn đồng/kg.
Bà A cho biết, từ đầu năm đến nay gia đình bán 2 đợt thanh long đều có lãi cao: “Thanh long mình trồng đã mấy năm rồi, xông đèn trái cũng được, thương lái mua hơn 20.000 đồng/kg, nay bán được 25.000 đồng/kg có lãi. Tôi xông đèn giá trên 20.000 đồng là có lãi, trồng cam, bưởi cũng không bằng trong cây thanh long”.
Từ trước Tết đến nay, đầu ra trái thanh long rất thuận lợi, giá liên tục tăng. Ở thời điểm này, thanh long ruột đỏ (loại 1) giá trên 34.000 đồng/kg, loại 2 giá 28.000 đồng/kg và loại 3 giá 25.000 đồng/kg. Riêng trái thanh long ruột trắng cũng ở mức 22.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, trái thanh long hiện nay tăng hơn 10.000 đồng/kg. Với mức giá ổn định như thế này, nhà vườn trồng cây thanh long có lãi gần 500 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, theo nhà vườn và ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang dù trái thanh long ở mức cao ổn định gần nửa năm qua nhưng chưa biết độ bền vững như thế nào nên vấn đề nâng cao chất lượng gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cần được quan tâm.
Ông Lê Văn Thủy, nông dần trồng 1,8 ha cây thanh long theo tiêu chuẩn Global GAP tại ấp Mỹ Khương, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo bày tỏ: “Giá cả thanh long cao, tăng trở lại nông dân rất phấn khởi, có lãi rồi. Mà muốn bền vững hay không phải tổ chức lại sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, làm sao để sản phẩm của mình đủ chất lượng, chất lượng đi nước ngoài chứ loay hoay thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á thì không bền đâu”.
Tại xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo có HTX Mỹ Tịnh An đã duy trì liên kết sản xuất với nhà vườn trồng cây thanh long theo tiêu chuẩn Global GAP để xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Giá thanh long HTX thu mua luôn cao hơn giá thị trường vài nghìn đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tịnh An cho biết, cùng với xã Quơn Long thì Mỹ Tịnh An là địa phương có mô hình trồng cây thanh long thương phẩm sớm nhất ở Tiền Giang. Toàn xã có 470 ha cây thanh long; trong đó có khoảng 50% vườn đang cho thu hoạch bán giá cao. Cây thanh long địa phương cố gắng duy trì theo hướng nâng cao chất lượng để giúp người dân đổi đời.
“Xã cũng thực hiện theo NQ 03 của huyện ủy Chợ Gạo tiếp tục duy trì diện tích cây thanh long và trồng thanh long sạch để đảm bảo đầu ra cho người dân. Đảng ủy xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tuyên truyền cho nhân dân không có chuyển đổi sang cây trồng khác mà không hiệu quả, vẫn duy trì cây thanh long. Mô hình liên kết giữa các thành viên và HTX vẫn duy trì. Diện tích VietGAP cũng mình khoảng 30% để cung cấp sản phẩm sạch cho HTX” - ông Nguyễn Văn Nam nói.
Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có gần 10.000 ha cây thanh long; trồng nhiều nhất ở huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phước, Gò Công Đông… cho sản hàng năm trên 236.000 tấn quả. Cùng với sầu riêng, mít thì trái thanh long cũng là loại trái cây đang cho hiệu quả kinh tế cao nhất do thị trường Trung quốc hút hàng.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang không khuyến khích người dân ồ ạt mở rộng diện tích mà chỉ cải tạo lại vườn cây đúng quy chuẩn, chú trọng các mô hình sản xuất sạch đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ra các nước trên thế giới.
Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng Trọt- Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết: “Bây giờ cây thanh long có chủ trương không tăng diện tích nữa mà củng cố nâng cao chất lượng. Nâng cao chất lượng ngoài phục vụ thị trường Trung Quốc, tiêu thụ trong nước, thì mình mở rộng thêm các thị trường khác. Hiện nay, các doanh nghiệp đã mở rộng thị trường Hàn quốc, Nhật Bản, Úc... Thời gian qua, chỉ có một số hộ nông dân bỏ bê nhưng phần lớn nhà vườn chăm sóc, rải vụ cho đều ra, sản lượng ít lại mà chất lượng nâng cao thì nó sẽ làm tăng hơn còn ngon hơn số lượng”.
Rút kinh nghiệm trong thời gian qua, nhà vườn tỉnh Tiền Giang hiện rất tỉnh táo trước sự biến động của thị trường trái cây. Dù giá tăng cao hay giá sụt giảm vẫn yên tâm, tích cực đầu tư phát triển sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và không chạy theo phong trào để tránh điệp khúc” trúng mùa, rớt giá”./.