Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP
VOV.VN -Ngày 28/7, tại Hawaii (Mỹ), hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được khai mạc.
Hội nghị kéo dài 4 ngày này đóng vai trò quyết định đối với việc đạt được một thỏa thuận có thể thúc đẩy tăng trưởng và đặt ra những tiêu chuẩn chung cho các nền kinh tế tham gia đàm phán.
Tiềm năng khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương là điều không còn phải bàn cãi vì các nước đàm phán, gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Chile, Mexico, Peru, Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam, đóng góp đến 40% cho kinh tế toàn cầu với tổng giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên đến 27.000 tỷ USD. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương được coi là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới không chỉ vì những con số ấn tượng trên mà còn vì thỏa thuận phức tạp này bao gồm cả các quy định trong lĩnh vực tài chính, sở hữu trí tuệ và quyền của người lao động.
“Chúng ta đang ở thời điểm gần chạm đến vạch đích nhưng giai đoạn cuối cùng của bất cứ cuộc thương thảo nào cũng luôn khó khăn nhất. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ đem đến tăng trưởng cho khu vực này và trở thành nòng cốt của chiến lược tăng trưởng Abenomics. Vì thế, tôi đề nghị Bộ trưởng Thương mại Akira Amari và các quan chức khác trong chính phủ vượt qua tất cả những chướng ngại vật để đem về cho chúng ta một kết quả có thể tối đa hóa lợi ích quốc gia” - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh.
Ngoài việc là động lực cho những cải cách hướng tới tăng trưởng, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương còn được Nhật Bản coi là “chiếc mỏ neo” để đồng minh Mỹ gắn kết chặt chẽ hơn với châu Á. Mỹ cũng coi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương là một trong những nỗ lực nhằm thắt chặt mối quan hệ kinh tế và thương mại với châu Á, là một phần của chính sách tái cân bằng hướng đến bên kia Thái Bình Dương.
Các quan chức tham gia hội nghị lần này tỏ ra khá lạc quan song thực tế, những vấn đề gai góc nhất đã được để lại đến phút cuối, bao gồm thời hạn độc quyền cho các loại thuốc mới có thể cứu sống nhiều sinh mạng và sự đãi ngộ đặc biệt đối với doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh đó còn có những vấn đề mang tính truyền thống hơn như tăng cường tính cạnh tranh cho những thị trường được bảo hộ.
Chuyên gia về kinh tế toàn cầu và phát triển của Viện nghiên cứu Brookings có trụ sở tại Washinton, ông Joshua Meltzer chỉ ra rằng, 2 nền kinh tế lớn nhất trong các nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương là Mỹ và Nhật Bản đang vấp phải những thách thức về mặt chính trị khi tham gia các vòng đàm phán này:
“Mỹ có một số yêu cầu cụ thể về việc củng cố quyền sở hữu trí tuệ và đây là một trong những thách thức lớn nhất. Nhưng cùng lúc, để đạt được điều đó, Mỹ phải chuẩn bị tinh thần mở cửa thị trường đối với những lĩnh vực mà lâu nay nền kinh tế số một thế giới luôn đóng cửa, bao gồm mở cửa thị trường mới cho đường xuất khẩu từ các nước như Australia, cải thiện cơ hội tiếp cận thị trường cho các sản phẩm dệt may từ những nước như Việt Nam. Đối với Nhật Bản, vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị là phải loại bỏ rào cản để các nước khác có cơ hội tiếp cận đối với thị trường nông sản, bao gồm mặt hàng gạo, cũng như thị trường xe hơi của nước này" - ông Joshua Meltzer nêu rõ.
Các nghị sỹ Australia mới đây tuyên bố rằng, họ sẽ không ủng hộ một Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương mà không đảm bảo mở rộng cơ hội xuất khẩu đường cho nước này và đây cũng là quan điểm mà Bộ trưởng Nông nghiệp Barnaby Joyce ủng hộ. Trong khi đó, Canada cũng đứng trước những thách thức tương tự như Nhật Bản khi nước này phải bỏ bớt những hàng rào bảo vệ ngành nông nghiệp trong nước nếu muốn ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Ông Adam Taylor, cựu cố vấn của Bộ trưởng Thương mại quốc tế của Canada cho rằng, đối với mỗi quốc gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, nông nghiệp luôn là lĩnh vực nhạy cảm nhưng cuối cùng các nước sẽ nhận thấy tầm quan trọng của việc phải thỏa hiệp trong vấn đề này.
Theo ông Adam Taylor: “Lúc này, khi tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đang thu hút sự chú ý mà nó đáng có, mỗi bên ý thức được rằng họ cần phải lựa chọn giữa một bên là thỏa hiệp để đạt được lợi ích chung hoặc ra đi tay trắng. Đối với Canada, chúng tôi phải tự hỏi liệu chúng tôi có chịu đựng được việc đứng ngoài một thỏa thuận thương mại tự do lớn đến thế hay không. Và nếu câu trả lời là không thì chúng ta sẽ thấy một số thỏa hiệp được đưa ra trong những lĩnh vực nhạy cảm”.
Quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại thuốc mới phát triển, cũng nằm trong số những vấn đề nổi cộm cần phải giải quyết tại hội nghị lần này. Cuộc tranh luận về bằng sáng chế sinh học tập trung vào đề xuất giới hạn 12 năm, có nghĩa rằng trong quãng thời gian này các công ty dược phẩm không thể phát triển một loại thuốc điều trị bệnh, có thể hiểm nghèo như ung thư, nếu một công ty khác sở hữu bằng sáng chế loại thuốc đó.
Dù giữa các nước còn nhiều bất đồng, Bộ trưởng Thương mại Australia, Andrew Robb vẫn tin tưởng rằng, nhiều khả năng các Bộ trưởng Thương mại sẽ đạt được một thỏa thuận vào cuối tuần này. Nếu các nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đạt được sự đồng thuận vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau thì thỏa thuận này còn phải được trình lên Quốc hội từng nước thông qua, trong đó Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu cuối cùng vào đầu tháng 12/2015./.