Khảo sát thực tế Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y
VOV.VN -Hiện nay, cơ sở hạ tầng tại đây còn hạn chế, có rất ít nhà đầu tư quốc tế đăng ký đầu tư.
Trong chuyến công tác tại các tỉnh Tây Nguyên, hôm nay (22/8), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và ông Kimura, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Kon Tum về hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, và khảo sát tình hình thực tế tại khu kinh tế này.
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y của tỉnh Kon Tum có tổng diện tích tự nhiên trên 70.400 ha, là trung tâm trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào- Campuchia, gắn kết với hành lang kinh tế Đông - Tây và nằm trong hệ thống các Khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam.
Tại Khu kinh tế này có một cửa khẩu quốc tế với Lào và một cửa khẩu quốc gia với Campuchia. Khó khăn hiện nay là cơ sở hạ tầng tại đây còn hạn chế, có rất ít nhà đầu tư quốc tế đăng ký đầu tư.
Với hướng đầu tư mới cho phát triển kinh tế vùng tại Việt Nam của Ngân hàng phát triển Châu Á, lãnh đạo tỉnh Kon Tum kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Phát triển Châu Á dành sự quan tâm cần thiết, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng; nâng cấp cửa khẩu phụ Đắc Côi - Kon Tu Nẹo; nâng cấp quốc lộ 18B từ đường cấp 3 lên đường cấp 4 miền núi; hiện thực hóa ý tưởng xây dựng Khu kinh tế của khẩu Bờ Y trở thành trung tâm chế biến hàng hóa từ mủ cao su của khu vực tam giác phát triển.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, cùng với việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, để phát huy được tiềm năng, lợi thế của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, cần đặt khu kinh tế trong tổng thể phát triển chung của khu vực Tây Nguyên và trong tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Campuchia. Bộ trưởng nói: “Đầu tiên chính là kết nối hạ tầng về giao thông. Bởi vì đây là vùng kết cấu hạ tầng còn đang rất hạn chế. Thứ hai, chúng ta phải phát triển được sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Điều đặc biệt đây là vùng rất bằng phẳng, đất Bazan rất màu mỡ. Đây là vùng sản xuất hàng hóa lớn nhất của Việt Nam nhưng sản phẩm làm ra lại chưa được chế biến và hiệu quả còn thấp. Số nhà đầu tư FDI vào đây gần như không đáng kể bởi hạ tầng kết nối rất kém, chi phí rất cao. Mục tiêu chúng ta muốn biến vùng tam giác phát triển này trở thành một trung tâm sản xuất cao su và cà phê, đặc biệt là cao su lớn nhất của cả ba nước cộng lại”./.