Kho dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng 6 tỷ USD kể từ đầu năm nay
VOV.VN - Kể từ đầu năm 2023 tới nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua khoảng 6 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc NHNN đưa tiền ra nền kinh tế cùng với các kênh khác của chính sách tiền tệ.
Tại phiên thường kỳ của Chính phủ mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường. Từ đầu năm 2023 tới nay, NHNN đã mua khoảng 6 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trong 4 tháng đầu năm, bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi không chắc chắn, tiềm ẩn rủi ro suy thoái kinh tế, rủi ro ngân hàng khiến các ngân hàng trung ương chậm lại đà tăng lãi suất, chỉ số USD hạ nhiệt…, đan xen thuận lợi, khó khăn tác động tới kinh tế, tiền tệ trong nước.
Để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin, NHNN theo dõi sát tình hình, chủ động điều hành trên cơ sở kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ với điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm. Kết quả cho thấy về cơ bản, tỷ giá được ổn định, NHNN mua khoảng 6 tỷ USD từ đầu năm tới nay.
Về tín dụng, tính đến ngày 25/4, tín dụng tăng 2,75% so với cuối năm 2022. Tín dụng tăng chậm trong bối cảnh đầu năm không chịu hạn chế bởi hạn mức tăng trưởng tín dụng và trong điều kiện thanh khoản hệ thống các TCTD được cải thiện. Điều đó cho thấy sức hấp thụ vốn thấp, nguyên nhân có thể kể đến là: Các doanh nghiệp không có đầu ra, đơn hàng giảm nên nhu cầu và vốn giảm, có những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng do suy yếu trong thời gian chịu tác động bởi COVID-19 nên không đủ điều hiện vay vốn; Tín dụng bất động sản gặp khó khăn chủ yếu do yếu tố pháp lý nên tăng không cao như thời gian trước đây (tín dụng bất động sản tăng 3,51%);
Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, NHNN đã có văn bản hướng dẫn các ngân hàng, 4 NHTM nhà nước đã chuẩn bị vốn để sẵn sàng cho vay khi các địa phương công bố các dự án (Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về tiêu chí, điều kiện để xác định dự án).Thứ hai, các nhiệm vụ khác được NHNN tiếp tục triển khai như thực hiện các công việc liên quan đến tái cơ cấu ngân hàng, chủ trì xây dựng dự thảo Luật sửa đổi Luật TCTD; tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính (vừa qua NHNN đứng đầu trong Bảng xếp hạng chỉ số PAR index, đây là năm thứ 7 NHNN đứng đầu trong Bảng xếp hạng).
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc thúc đẩy tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần hài hòa với mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD. Thời gian qua, tín dụng tăng chậm không chỉ ở Việt Nam; khi các ngân hàng Mỹ sụp đổ, lan sang châu Âu, các ngân hàng tại nhiều quốc gia cũng thận trọng hơn khi cho vay, để đảm bảo thanh khoản, sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền./.