Khởi nghiệp nông nghiệp: Yếu tố công nghệ đón đầu nông nghiệp số
VOV.VN - Trong các nhóm dự án khởi nghiệp năm nay, yếu tố công nghệ đã được nhiều nhóm đưa vào như một xu thế tất yếu đón đầu nông nghiệp số.
Trong khuôn khổ Tuần lễ kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2020, hôm nay (1/11) tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam diễn ra “Chung kết khởi nghiệp nông nghiệp: Đổi mới sáng tạo năm 2020” với 12 dự án lọt vào vòng chung kết.
Khởi nghiệp nông nghiệp năm 2020 thu hút hơn 100 dự án của học sinh, thanh niên sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, trung học phổ thông và sinh viên quốc tế.
Trong đó có nhiều dự án có ý tưởng sáng tạo, khả thi, áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ kết nối vạn vật, giải quyết vấn để thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học kĩ thuật góp phần gia tăng giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản…
Ông Nguyễn Tất Thắng, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi chia sẻ, khi thế giới đang sống và làm việc trong một thời đại mới, thời đại của công nghệ 4.0, các dự án tham gia khởi nghiệp không chỉ phải đáp ứng các yếu tố sáng tạo, khả thi và đưa ra các giải pháp giải quyết các vấn đề đang tồn tại của xã hội như: Biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường; “được mùa mất giá” mà còn phải kết hợp thêm yếu tố công nghệ vào trong dự án.
“Trong các nhóm dự án khởi nghiệp năm nay, yếu tố công nghệ đã được nhiều nhóm đưa vào như một xu thế tất yếu, đón đầu nông nghiệp số - xu hướng của thời đại mới, khi mà cuộc cách mạng 40 đã lan tỏa rất nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Hy vọng qua chương trình sẽ giúp cho thanh niên, sinh viên và kể cả các em học sinh thay đổi tư duy nhận thức về vấn đề việc làm, đó là không chỉ đi xin việc mà phải tự tạo việc làm cho chính bản thân, thông qua đó tạo việc làm cho những người khác để mang lại giá trị cho xã hội và cộng đồng”, ông Thắng khẳng định.
Bạn Nguyễn Diệu Linh, Trưởng nhóm dự án Vibale – nâng cao giá trị cây chuối (phụ phẩm nông nghiệp) với việc sản xuất hộp đựng đồ ăn sử dụng nguyên liệu lá chuối thay thế cho túi ni lông và hộp xốp chia sẻ, hộp xốp phải mất 500 năm mới bị phân hủy, đối với giấy từ 3 - 4 tháng, hộp làm từ bã mía phân hủy từ 60 - 120 ngày, còn đối với hộp lá chuối phân hủy sinh học trong vòng 45 ngày.
“Ý tưởng nghĩ chỉ trong vòng 1 ngày nhưng khi nghiên cứu, định hình vật liệu, nhóm dự án phải mất đến 1,5 năm, phải đến tháng 12 năm nay mới đưa ra được sản phẩm thương mại hóa. Tiêu chí của nhóm là định hướng doanh nghiệp tạo tác động tốt cho xã hội, vì vậy bên cạnh hiệu quả kinh tế còn hướng đến việc mọi người sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường”. Diệu Linh cho biết.
TS. Vũ Ngọc Huyên, Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo cuộc thi cho biết, các dự án đoạt giải của các nhóm dự thi sẽ được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu, để tham gia các cuộc thi Quốc gia và mời gọi vốn của các DN để triển khai trên thực tế.
Thời gian tới, Học viện cũng sẽ đẩy mạnh triển khai dự án khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên đặc biệt là triển khai nhiều hơn đối với các trường Trung học phổ thông và những thanh niên nông thôn, các hợp tác xã nông nghiệp thông qua đó tiếp tục thu hút tập hơn nhiều hơn những đối tượng tham gia.
“Cuộc thi là nơi để các ứng viên được đào tạo, tập huấn và định hướng qua đó các nhóm có thể viết các dự án khả thi nhất. Thông qua cuộc thi, các sinh viên có thêm cơ hội gắn lý thuyết với thực tiễn. Học viện cũng đã quyết định thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo - là nơi để kết nối cung cầu của các nhà khoa học, doanh nghiệp, những đối tượng nghiên cứu và là nơi để trải nghiệm, tìm tòi sáng tạo tri thức tiềm năng của các học sinh, sinh viên của các trường Đại học, Cao đẳng, của các doanh nghiệp và hợp tác xã./.