Khống chế chi phí quảng cáo là trói doanh nghiệp?
(VOV) -Trong điều kiện hiện nay, nếu chi cho sản xuất 1 thì bán hàng phải 9-10. Bán hàng mới là yếu tố quyết định thành bại của DN.
Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi nội dung điểm n, khoản 2, điều 9 Luật thuế TNDN, theo đó nâng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại từ 10% lên 15% (bỏ qui định ưu đãi đối với doanh nghiệp mới thành lập (15%), đồng thời rà soát loại bỏ một số khoản chi ra khỏi diện chi phí khống chế.
Ông Đinh Sỹ Dũng – Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) bày tỏ đồng tình với việc loại bỏ một số khoản chi như chiết khấu thanh toán, chi báo biếu, báo tặng. Tuy nhiên, đối với việc nâng tỷ lệ khống chế lên 15% , không phân biệt doanh nghiệp mới, cũ thì cần có sự cân nhắc thêm. Luật hiện hành qui định là 10%, doanh nghiệp mới thành lập là 15%. Việc sửa đổi này cũng sẽ tác động đến giảm thu ngân sách, nhất là khi đồng thời sửa đổi giảm thuế suất. “Bộ Tài chính mới chỉ căn cứ vào thực tiễn ý kiến doanh nghiệp chưa có thông tin về kinh nghiệm quốc tế, về đánh giá tác động đến thu ngân sách” – ông Dũng nói.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, nên bỏ qui định khống chế này mà thực hiện khấu trừ thực tế theo hóa đơn, chứng từ. Theo quan điểm của ông Dũng, vẫn nên duy trì qui định này, tuy nhiên nên thực hiện theo nguyên tắc khấu trừ theo thực tế hóa đơn, chứng từ để doanh nghiệp quen dần với kỷ luật kế toán, kiểm toán, nhưng cũng cần phải khống chế mức tối đa. Quy định 10% như hiện hành là phù hợp, đồng thời cũng thể hiện được chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với DN mới thành lập (được áp dụng mức 15%), vừa thể hiện chính sách khuyến khích đầu tư, phản ánh đúng chi phí thực của DN mới thành lập so với DN cũ đã ổn định.
Bày tỏ sự không đồng tình với nội dung sửa đổi này, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, các khoản chi này dù có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp, hợp lệ 100% nhưng cũng chưa chắc được tính vào chi phí. Đây là điều rõ ràng trái với nguyên tắc cơ bản của hạch toán kinh doanh, phủ nhận thực tế hoàn toàn cần thiết và chính đáng, đó là không phải sản xuất mà bán hàng mới là yếu tố quyết định thành bại trong nền kinh tế thị trường. Và trong trường hợp đó, có khi kinh doanh bị lỗ vốn, nhưng vẫn bị pháp luật coi là có lãi và phải nộp thuế thu nhập DN. Do đó, cần phải bỏ giới hạn này hoặc nếu không bỏ thì cũng phải nâng tỷ lệ khống chế lên ít nhất là 50%.
“Quan trọng là các chi phí có thật hay không chứ không phải là bao nhiêu, vì chi phí hợp lệ, hợp pháp của DN này thì cũng chính là thu nhập của DN hoặc cá nhân khác. Đã yêu cầu các khoản được tính vào chi phải hợp pháp thì cũng cần nới lỏng các con số “chết” trói chân, trói tay doanh nghiệp” – ông Đức nói.
Việc nới 15% chi cho quảng cáo cho DN 3 năm đầu theo ông Đức, không có nghĩa lý gì, vì trong khoảng thời gian này tới 90% DN chưa làm được gì.
Về quan điểm, khống chế mức chi này để tránh tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, ông Đức cho rằng, thực ra, với các DN lớn, nếu chúng ta có khống chế 1% họ vẫn quảng cáo áp đặt tất cả các kênh truyền thông. Các DN vừa và nhỏ sẽ không thể cạnh tranh nổi. Họ là DN nhỏ nhưng lại không nhỏ chút nào vì đây là lực lượng chiếm đến 97% trong tổng số DN. Bây giờ chỉ còn ta và Trung Quốc là khống chế chi phí quảng cáo, nhưng Trung Quốc lại khống chế trên doanh thu, chứ không có chuyện loại trừ chi phí. Việc nâng lên 15% là quá thấp và rõ ràng là một sự không thể chấp nhận được vì chi phí của DN là quá hợp lệ. “Tôi sản xuất, kinh doanh thì tôi phải chi tiêu chứ có ăn gian, phí phạm, đút túi hay ăn cắp đâu” – ông Đức nói.
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Thị Lan Hương (Khoa Luật – DDHQG Hà Nội) cho rằng, qui định này chưa đảm bảo công bằng khi đánh đồng áp dụng đối với các doanh nghiệp không cân nhắc đến vị trí yếu thế của DNNVV và DN mới thành lập. Mặc dù, theo thiết kế của dự thảo, các DN này được áp dụng ưu đãi thuế trong địa bàn và lĩnh vực đầu tư theo Luật hiện hành còn được hưởng thuế suất TNDN ưu đãi hơn so với thuế suất phổ thông nhưng các qui định ưu đãi này không liên quan trực tiếp đến xác định chi phí được trừ. Phương án xác định chi phí được trừ theo hướng điều chỉnh hợp lý phù hợp với chi phí thực tế về tiếp thị, quảng cáo, khuyến mại… của DN bỏ ra chưa được đề cập. Vì thế, rất dễ xảy ra chuyện DN chưa được khấu trừ hết chi phí sẽ tìm mọi cách để trừ hết bằng gian lận hóa đơn, chứng từ chi phí. Còn DN không có cách nào điều chỉnh phù hợp với định mức khấu trừ thì phải chấp nhận chịu thiệt do thuế TNDN thực chất đánh vào lợi nhuận thực thu.
TS Lan Hương cũng cho rằng, bên cạnh phương án khấu trừ chi phí theo tỷ lệ phần trăm/tổng chi phí, cần đưa ra phương án khấu trừ chi phí/tổng doanh thu và đánh giá sự tác động đến bảo đảm công bằng cho các DN.
ngoài đảm bảo công bằng, TS Nguyễn Minh Phong cũng khẳng định, việc giảm trừ chi phí quảng cáo cho DN cần khuyến khích tính minh bạch kinh doanh của DN; tránh cào bằng mà theo tính chất của từng nhóm ngành và tính thời gian của quảng cáo; theo mục tiêu sử dụng sản phẩm…/.