Không có tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác bất hợp pháp
VOV.VN - “Không phát hiện tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác bất hợp pháp” sau 5 ngày tuần tra kiểm tra kiểm soát trên vùng biển Giáp ranh Việt Nam - Malaysia - Thái Lan là kết quả ghi nhận bước đầu trong đợt cao điểm chống khai thác IUU từ nay đến tháng 4 năm 2024 của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Tiếp tục thực hiện “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và thực hiện chiến dịch cao điểm quyết liệt chống khai thác IUU đến tháng 4 năm 2024, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam (BTL CSBVN) cùng đại diện 5 tỉnh Tây Nam Bộ và đại diện lực lượng Bộ đội biên phòng, Kiểm ngư đã có chuyến công tác kiểm tra IUU khu vực biển giáp ranh Việt Nam -Malaysia-Thái Lan.
Sau 5 ngày làm việc khẩn trương, tích cực trong điều kiện sóng gió phức tạp, với hành trình hơn 600 hải lý, lực lượng Cảnh sát biển đã tiến hành kiểm tra qua máy liên lạc nghề cá với 4 tàu, kiểm tra trực tiếp 7 tàu cá về chấp hành các quy định IUU.
Kết quả bước đầu cho thấy, đa số tàu cá đều chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, có đầy đủ giấy tờ hành nghề, đặc biệt không có tàu cá nào sang vùng biển nước ngoài khai thác. Tại hội nghị rút kinh nghiệm đợt kiểm tra triển khai thực hiện nhiệm vụ đợt cao điểm chống khai thác IUU lần này, các thành viên Đoàn công tác, đại diện các bộ, ban ngành trung ương và địa phương đã đề xuất thêm những giải pháp góp phần chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm về IUU.
Trung tá Phạm Hữu Tuấn Dương, đại điện cơ quan thường trực Ban chỉ đạo IUU, Bộ Quốc phòng đánh giá: Qua công tác kiểm tra, thực hiện nhiệm vụ phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), biên đội tàu Cảnh sát biển đã duy trì nghiêm túc hệ thống gác, trực sẵn sàng chiến đấu, tổ chức trực canh quan sát nắm chắc tình hình trên biển. Cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển nhận thức rõ chức trách, xây dựng ý chí quyết tâm cao, xác định tốt nhiệm vụ, nắm vững các đối sách, phương án xử lý các tình huống trên khu vực biển được phân công.
Để công tác phòng chống khai thác IUU đạt hiệu quả, Trung tá Phạm Hữu Tuấn Dương kiến nghị: "Khi tổng hợp thông tin tàu cá xuất bến từ các đồn trạm biên phòng, cảng cửa khẩu thì đều thông tin về cho bộ đội biên phòng để kịp thời đấu tranh. Các đồng chí ở đồn trạm kiểm soát như vậy thì khi bà con ra khơi, lực lượng đều nắm được. Qua đó lan tỏa thông tin về khả năng kiểm soát chặt chẽ của lực lượng chấp pháp, thấy được sự phối hợp chặt chẽ và bà con cũng phải có ý thức tốt hơn".
Bến Tre là tỉnh có nhiều tàu cá hoạt động trên vùng biển phía Tây Nam Tổ quốc, ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, hoạt động phối hợp cùng các lực lượng chức năng đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của ngư dân hoạt động trên biển. Đặc biệt, ngư dân, chủ phương tiện đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nhất là việc chấp hành về chống khai thác hải sản bất hợp pháp trong thời gian qua, góp phần đẩy lùi hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp trên biển.
"Ngoài việc nỗ lực của địa phương thực hiện thì sự phối hợp giữa tỉnh với BTL CSB cũng như Hải quân, Biên phòng, Kiểm ngư tôi nghĩ rằng rất là quan trọng. Và muốn tháo gỡ được thẻ vàng thì phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các lực lượng này để làm thế nào vừa đảm bảo công tác thông tin tuyên truyền, công tác quản lý tình hình khai thác trên biển, kể cả vấn đề về xử lý vi phạm là rất là cần thiết" - ông Buội nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển và các địa phương, các ngành chức năng có liên quan đã thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp như tuyên truyền, vận động xử lý hành vi vi phạm.
Theo Trung tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam, sau chuyến công tác kiểm tra thực hiện nhiệm vụ IUU ở vùng biển giáp ranh Việt Nam– Malaysia– Thái Lan, Cảnh sát biển Việt Nam và các địa phương sẽ tiếp tục trao đổi để phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn trong thời gian tới. Mục tiêu nhằm kiểm soát chặt chẽ tàu cá Việt Nam ngay từ bờ, trước khi đi biển khai thác hải sản. Tập trung phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương đẩy mạnh hoạt động điều tra, xác minh, xử lý triệt để nguy cơ vi phạm IUU ngay từ đầu, ngay từ đất liền, giải quyết tận gốc những nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn tới việc tàu cá Việt Nam vi phạm IUU ở vùng biển nước ngoài. Những trường hợp cố tình vi phạm hoặc vi phạm có tổ chức sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật.
"Các lực lượng chức năng cũng như cấp ủy chính quyền các địa phương đợt này vào cuộc rất nghiêm túc và có quyết tâm rất cao. Về xử lý các hành vi vi phạm của bà con ngư dân thì quan điểm là xử lý nghiêm túc, đúng lỗi phạm, đúng người, đồng thời chúng tôi cũng có những tuyên truyền, giải thích, yêu cầu để bà con chấp hành tốt hơn. Và cũng không phải xử lý xong là xong mà chúng tôi luôn luôn động viên, tạo điều kiện, giúp đỡ bà con vươn khơi bám biển" - Trung tướng Bùi Quốc Oai cho biết.
Trên các vùng biển, thường xuyên duy trì từ 13 - 15 tàu thực hiện nhiệm vụ trực, tuần tra, kiểm soát chống khai thác IUU. Trong đó duy trì thường xuyên 6 tàu (3 tàu CSB, 2 tàu Kiểm ngư, 1 tàu dân quân thường trực) trên vùng biển giáp ranh với các nước Malaysia, Thái Lan.
Nhân dịp này, đoàn công tác đã trực tiếp lên tàu kiểm tra kết quả triển khai đợt cao điểm chống khai thác IUU, tặng quà chúc tết 4 tàu CSB 4034, CSB 4033, tàu KN 211, tàu KG-96021TS và thông qua hệ thống thông tin liên lạc chỉ đạo trực tiếp và giao nhiệm vụ cho tàu KN278, tàu KN 203. Đồng thời, Đoàn công tác đã trao tặng trên 40 suất quà, lương thực, thực phẩm, thuốc men y tế cho tàu cá ngư dân trên địa bàn huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) và xã Thổ Châu (Kiên Giang). Bên cạnh đó, Đoàn công tác còn cử lực lượng hỗ trợ khắc phục sự cố hỏng máy đối với tàu cá CM 013332 TS đang bị trôi dạt 4 ngày trên biển, bảo đảm cho tàu cá hoạt động bình thường.
Năm 2023, lực lượng Cảnh sát biển đã triển khai sử dụng 90 lượt tàu thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, phòng chống khai thác IUU trên các vùng biển trọng điểm, tuyên truyền pháp luật về phòng chống khai thác IUU cho hơn 13.000 lượt tàu cá Việt Nam (trực tiếp trên biển gần 3.300 tàu, qua máy liên lạc nghề cá gần 8.699 tàu, tại bến và vùng nước đảo ven bờ gần 1.300 tàu), tổ chức 142 buổi tuyên truyền với gần 78.000 người tham gia. Kiểm tra, kiểm soát lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính về IUU trên biển với tổng số tiền xử phạt trên 9,6 tỉ đồng.
Thống kê trong năm 2023, cả nước có 52 tàu cá vì lực lượng chức năng nước ngoài truy đuổi, bắt giữ, giảm một nửa so với năm trước đó. Tuy nhiên, xuất hiện nhiều thủ đoạn mới trong khai thác bất hợp pháp như gửi thiết bị giám sát hành trình sang tàu khác hay thậm chí là tạo tín hiệu giả. Cùng với đó là số vụ tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam có xu hướng gia tăng.