Khủng hoảng Evergrande có lan sang Việt Nam?
VOV.VN - Nhiều người lo ngại China Evergrande sụp đổ sẽ có tác động đến thị trường bất động sản trong nước.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, “quả bom nợ” Evergrande đã và sẽ tiếp tục có những tác động đến kinh tế Việt Nam, cụ thể là tác động đến thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản (BĐS).
Tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư đã khiến VN-Index đi xuống ngay sau khi thông tin về “quả bom nợ” Evergrande được công bố. Các nhà đầu tư lo ngại và thận trọng hơn trong việc đầu tư vào cổ phiếu đặc biệt là nhóm BĐS.
Theo ông Lực, sau sự cố Evergrande, các quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ phải cân nhắc để kiểm soát chặt chẽ hơn dòng vốn đổ vào trái phiếu BĐS, đồng thời, các ngân hàng khi cho các doanh nghiệp BĐS vay có thể sẽ yêu cầu mức lãi suất cao hơn.
“Về mặt lý thuyết, dòng vốn đổ vào trái phiếu BĐS có thể sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn; ngân hàng cho doanh nghiệp BĐS vay có thể sẽ yêu cầu mức độ lãi suất cao hơn vì cho rằng lĩnh vực này có rủi ro cao hơn. Tuy nhiên, việc kiểm soát dòng vốn này phải bám sát vào tình hình thực tiễn, tránh tâm lý vì bên đó xảy ra sự cố mà chúng ta lại quá siết chặt là không đúng”, ông Lực cho hay.
Mặc dù vậy, ông Lực khẳng định, việc Tập đoàn BĐS Đại Hằng Trung Quốc sụp đổ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam là không đáng kể. Ông Lực đánh giá, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu BĐS ở Việt Nam có tiềm lực tài chính rất vững mạnh, hệ số nợ đều trong tầm kiểm soát, đảm bảo một hệ số an toàn nhất định.
TS. Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, Evergrande đứng trước nguy cơ phá sản là bài học rất lớn cho các nhà kinh doanh BĐS tại Việt Nam trong việc phát hành trái phiếu. BĐS cũng tương tự như Trung Quốc, các doanh nghiệp BĐS cũng có thể huy động vốn từ người dân theo những phương pháp bán BĐS hình thành trong tương lai và khách hàng đóng tiền theo tiến độ xây dựng.
Nếu doanh nghiệp BĐS vỡ nợ, ảnh hưởng là không nhỏ đến nền kinh tế, đến các chủ nợ và khách hàng đã bỏ tiền vào các dự án. Do đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần rút ra bài học từ vụ việc này.
Ông cũng kiến nghị Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước… phải tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra tất cả trái phiếu được phát hành bởi các doanh nghiệp BĐS, ngăn chặn kịp thời những doanh nghiệp BĐS không có thực lực, không đủ năng lực tài chính phát hành trái phiếu. Bởi theo ông, nếu Việt Nam có một vài doanh nghiệp rơi vào tình trạng như Evergrande có thể sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền rất nguy hiểm cho cả thị trường.
Cũng theo ông Hiếu, "quả bom nợ" Evergrande cũng có phần xuất phát từ nguyên nhân việc chính quyền Trung Quốc đưa ra chính sách ba “lằn ranh đỏ” nhằm quản lý thị trường đất đai, kiểm soát giá nhà và phân bổ tín dụng cho thị trường bất động sản. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được sẽ bị hạn chế vay tiền từ ngân hàng.
“Evergrande sụp đổ hay không, giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền, bản thân Evergrande đã không thể tự cứu mình”, TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.
Nhà đầu tư tuyệt vọng
Trong nhiều năm, nhiều nhà đầu tư đã đổ tiền cho các công ty như Evergrande vì họ tin rằng Bắc Kinh sẽ luôn nhảy vào giải cứu khi mọi thứ rơi vào khủng hoảng.
Trong nhiều thập kỷ, họ đã đúng. Nhưng gần đây, giới chức Trung Quốc cho thấy họ sẵn sàng chứng kiến sự sụp đổ của các công ty nhằm kiềm chế vấn đề nợ không bền vững.
Trong cuộc họp với đại diện Evergrande tuần trước, các nhà quản lý cho rằng, công ty này nên chủ động liên lạc với các trái chủ để tránh vỡ nợ. Không có thêm bất cứ hướng dẫn cụ thể nào được đưa ra và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy họ đề nghị hỗ trợ tài chính. Wall Street Journal dẫn nguồn tin thân cận cho biết, Trung Quốc đang yêu cầu các địa phương chuẩn bị cho kịch bản Evergrande sẽ sụp đổ.
Sự hoảng sợ từ các nhà đầu tư và người mua nhà có thể tràn vào thị trường bất động sản làm hạ giá, ảnh hưởng tới sự giàu có và lòng tin của các hộ gia đình. Nó cũng có thể làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu và khiến các công ty Trung Quốc khác khó có thể tiếp tục tài trợ cho các doanh nghiệp của họ bằng vốn đầu tư nước ngoài.
Hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài bị nợ 7,4 tỷ USD tiền thanh toán trái phiếu từ Evergrande chỉ trong năm tới. Các diễn biến gần đây càng khiến họ hoảng loạn. Tại một số thời điểm, trái phiếu của Evergrande xuống mức mức thấp kỷ lục 50 cent/trái phiếu.
Thời hạn thanh toán khoản lãi 83,5 triệu USD đã qua được 5 ngày, nhưng Evergrande vẫn "im hơi lặng tiếng". Tập đoàn này sẽ có khoảng thời gian ân hạn 30 ngày kể từ 23/9.
Hồi trong tuần, đại diện bộ phận kinh doanh bất động sản của Evergrande cho biết đã có các cuộc đối thoại riêng với trái chủ nội địa nhằm dàn xếp đợt thanh toán lợi suất bằng đồng NDT. Tuy nhiên, người này từ chối cung cấp thông tin chi tiết.
Tâm lý lo ngại về nguy cơ sụp đổ của Evergrande làm rung lắc các sàn giao dịch tại Hong Kong, dẫn tới làn sóng bán tháo cổ phiếu các công ty bất động sản khác.
Các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng rằng nếu Evergrande thất bại, tất cả số tiền họ đang nợ sẽ tan thành mây khói./.