Kích cầu tiêu dùng trong nước tạo “đòn bẩy” phục hồi kinh tế
VOV.VN - Khai thác tốt thị trường trong nước bằng những giải pháp đồng bộ, theo dõi sát diễn biến, cung cầu giá cả các mặt hàng để có biện pháp điều tiết kịp thời.
Tính chung 8 tháng năm 2023, nhờ các biện pháp kích cầu tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Sức mua hồi phục cùng nhiều chính sách kích cầu được triển khai, thị trường trong nước được kỳ vọng là “đòn bẩy” hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Liên tục từ đầu năm đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng, các chính sách kích cầu tiêu dùng, các hoạt động quảng bá du lịch được đẩy mạnh, góp phần duy trì tăng trưởng khu vực này và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước. Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần nắm vững và chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng trong nước 100 triệu dân. “Với nguồn thu nhập tăng thêm rất nhanh, nhu cầu hàng hóa đang tăng rất cao, nếu chúng ta đáp ứng được sản xuất kinh doanh sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại. Đây là động lực rất quan trọng để có thể phát triển bền vững trong tương lai”, ông Thịnh nói.
Khai thác tốt thị trường trong nước là một trong những giải pháp quan trọng giúp DN phục hồi sản xuất, kinh doanh. Muốn vậy, cần có những giải pháp đồng bộ theo dõi sát diễn biến, cung cầu giá cả các mặt hàng để có biện pháp điều tiết kịp thời, bảo đảm phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, đặc biệt là ổn định giá cả và lưu thông hàng hóa.
Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho rằng, bên cạnh hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thị trường, đa dạng hóa sản phẩm với giá cả cạnh tranh.
“Bản thân doanh nghiệp phải đổi mới mình, không thể hoạt động theo cách truyền thống trước đây. Cụ thể là DN đưa những kiến thức mới nhất vào để quản trị, đầu tư kiến thức cho cán bộ, nhân viên. Cùng với đó DN phải nhanh chóng tiếp cận với công nghệ, nhanh chóng nắm bắt thông tin thị trường hàng hóa, các chính sách của Nhà nước hỗ trợ DN để tồn tại và phát triển hài hòa”, bà Thùy nêu ý kiến.
Thị trường trong nước luôn là điểm tựa vững chắc cho các doanh nghiệp phát triển bền vững. Bộ Công Thương, Sở Công Thương các đia phương luôn đồng hành với các đơn vị bán lẻ, doanh nghiệp triển khai chương trình khuyến mại, giảm giá hàng hóa nhằm kích thích tiêu dùng, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.