Kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm 2025: Khả thi song không thể chủ quan

VOV.VN - Với kết quả chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2025 là 3,27%, dư địa cho 6 tháng cuối năm để hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát trong ngưỡng 4 - 4,5% là khả thi, tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, vẫn không thể chủ quan với lạm phát trong những tháng cuối năm.

Thách thức trong nửa cuối năm 2025 vẫn rất lớn

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài Chính), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2025 tăng 3,27% so với cùng kỳ, cao hơn mức trung bình của giai đoạn 2015-2024 là 2,81%. Lạm phát cơ bản (loại trừ các yếu tố biến động mạnh như lương thực, năng lượng) chỉ tăng 3,16%, cho thấy áp lực lạm phát chủ yếu đến từ chi phí đẩy chứ không phải cầu kéo.

Mặc dù lạm phát vẫn nằm trong ngưỡng kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội (dưới 4%), song các chuyên gia cũng cảnh báo thách thức trong nửa cuối năm 2025 vẫn rất lớn. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn, đặc biệt là Trung Quốc và EU, tiếp tục kéo dài, có thể tác động tiêu cực đến xuất khẩu và sản xuất công nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, thỏa thuận về thuế quan của Việt Nam và Mỹ về nguyên tắc đã được hai bên chấp thuận, song để triển khai thực hiện chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề và đó sẽ là những rủi ro rất lớn cho Việt Nam, khi xuất khẩu hàng hóa với thị trường Mỹ chiếm tới trên 30% tổng doanh số xuất khẩu.

“Nếu chỉ tiêu xuất khẩu gặp khó khăn thì tồn kho sẽ tăng làm tăng chi phí, doanh thu xuất khẩu thấp sẽ tác động tới tăng tỷ giá và tăng áp lực tới CPI. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu hàng hóa của Mỹ nhiều hơn theo thỏa thuận hai bên với giá cao hơn sẽ làm tăng chi phí sản xuất và tăng giá bán sản phẩm hàng hóa do Việt Nam sản xuất và bán ra”, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính lo ngại.

Cũng theo ông Tuyến, đầu tư công năm 2025 cao hơn các năm trước và 6 tháng đầu năm 2025 mới giải ngân được trên 30%, do vậy, trong 6 tháng cuối năm số vốn đầu tư cần giải ngân sẽ lớn hơn rất nhiều làm tăng cung tiền cho nền kinh tế. Ngoài ra, việc khởi công nhiều dự án mới với số vốn lớn sẽ tiếp tục được thực hiện và điều đó cũng có khả năng làm tăng CPI.

“Tăng trưởng tín dụng lớn hơn để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao (8%) cũng sẽ làm tăng mức cung tiền và gây áp lực cho tăng lạm phát. Chi tiêu cho các cán bộ nghỉ việc từ sắp xếp tổ chức lại bộ máy hành chính nhà nước, chi cho hoạt động của bộ máy mới phát sinh chưa dự kiến được từ trước… cũng sẽ tác động tới tăng giá sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ”, ông Tuyến cảnh báo.

Lạm phát trung bình cả năm 2025 sẽ quanh mức 3,4%

Ở góc nhìn khác, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính dự báo, áp lực lạm phát trong nửa cuối năm 2025 sẽ không lớn hơn nhiều so với mức trung bình của giai đoạn 2015-2024 do các yếu tố tác động khiến giá cả tăng/giảm sẽ đan xen nhau.

Với giả định CPI trong 6 tháng cuối năm 2025 sẽ tăng trung bình 0,27%/tháng, tương đương mức tăng trung bình trong 6 tháng cuối năm của giai đoạn 2015-2024, lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo ở mức 3,4%. Trong trường hợp căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn kéo dài và dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, giá các hàng hóa cơ bản giảm mạnh, lạm phát trung bình cả năm 2025 có thể chỉ ở mức 3%.

Theo TS. Độ, bối cảnh kinh tế kém thuận lợi đối với xuất khẩu và tăng trưởng GDP sẽ giúp kiềm chế lạm phát tại Việt Nam trong nửa cuối năm 2025.

“Năm 2025 nhiều khả năng sẽ là năm thứ 11 liên tiếp Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát ở mức dưới 4%. Mặc dù lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4%, các áp lực từ tỷ giá và tăng trưởng tín dụng đến lạm phát cần được theo dõi sát sao để có chính sách kiểm soát lạm phát phù hợp trong năm 2016”, TS. Nguyễn Đức Độ nêu ý kiến.

Tuy nhiên, điều ông Độ lo ngại là hai rủi ro mang tính nền tảng đang tích tụ: chênh lệch lãi suất USD – VND và đà tăng cung tiền từ tín dụng.

Chênh lệch lãi suất giữa USD và VND cao sẽ tiếp tục tạo sức ép lên tỷ giá. Thêm vào đó, các chính sách thuế quan từ Mỹ vẫn chưa rõ ràng, trong khi thuế nhập khẩu với hàng hóa Việt Nam có khả năng cao hơn trước khiến xuất khẩu gặp khó, gây thêm sức ép tỷ giá và tiềm ẩn nguy cơ “nhập khẩu lạm phát”.

Ở chiều tín dụng, tăng trưởng tín dụng năm 2025 định hướng ở mức 16%, đồng thời Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP 8%. Điều này đồng nghĩa với việc cung tiền nhiều khả năng sẽ tăng nhanh hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa, một yếu tố có thể làm giá cả leo thang trong thời gian tới.

Cần sự điều hành nhất quán, linh hoạt

Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), với kết quả CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2025 là 3,27%, dư địa cho 6 tháng cuối năm để hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát trong ngưỡng 4 - 4,5% là khả thi, nhưng không thể chủ quan.

Để hiện thực hóa mục tiêu kiểm soát CPI như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra trong biên độ 4–4,5%, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng, cần sự điều hành nhất quán, linh hoạt, đồng thời tăng cường năng lực dự báo và tính chủ động trong ứng phó chính sách. Kiểm soát lạm phát không chỉ là nhiệm vụ ngắn hạn mà còn là nền tảng đảm bảo ổn định vĩ mô và phục hồi bền vững cho cả nền kinh tế.

Theo đó, chính sách tiền tệ linh hoạt, chú trọng kiểm soát lạm phát; chính sách tài khóa hỗ trợ, giảm áp lực giá đầu vào; ổn định thị trường hàng hóa – lương thực, thực phẩm, năng lượng, vật liệu, tăng cường dự trữ và bình ổn giá lương thực - thịt lợn, bởi việc thiếu hụt đã khiến giá thịt tăng 12 - 13% và kéo CPI chung lên 0,4  điểm phần trăm. Điều hành giá xăng dầu linh hoạt theo diễn biến thị trường thế giới; kiểm soát nguồn cung vật liệu xây dựng, như cát, đá, gạch – nơi giá tăng đột biến ảnh hưởng CPI 6 tháng đầu năm…

“Cần tăng cường theo dõi, giám sát giá và diễn biến thị trường. Thực hiện giám sát liên tục và mạnh tay xử lý vi phạm trong điều hành giá của các doanh nghiệp kinh doanh độc quyền, đầu cơ, tích trữ…”, ông Long nêu rõ.

Cũng theo PGS. TS. Ngô Trí Long, các giải pháp điều hành trong 6 tháng cuối năm cần được chuẩn bị bài bản, không chỉ mang tính kỹ thuật mà còn tạo dựng được niềm tin vững chắc với doanh nghiệp và người dân. Sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại và truyền thông chính sách minh bạch sẽ giúp kiểm soát tốt lạm phát dù có biến động từ giá dầu, tỷ giá và cầu cuối năm. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng.

“Nếu triển khai đồng bộ các giải pháp trên, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở duy trì CPI dưới 4% trong năm 2025, ngay cả khi có cú sốc từ bên ngoài. Điều đó không chỉ đảm bảo mục tiêu chính sách vĩ mô, mà còn hỗ trợ niềm tin thị trường và thúc đẩy tăng trưởng bền vững”, PGS. TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Tin liên quan

Cần làm gì để đạt tăng trưởng 8% mà vẫn khống chế được lạm phát?
Cần làm gì để đạt tăng trưởng 8% mà vẫn khống chế được lạm phát?

VOV.VN - Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% đặt ra trong năm nay hoàn toàn khả thi. Tuy vậy, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững, giữ ổn định tỷ giá, kiềm chế được lạm phát, tạo sức bật cho những năm tiếp theo.

Cần làm gì để đạt tăng trưởng 8% mà vẫn khống chế được lạm phát?

Cần làm gì để đạt tăng trưởng 8% mà vẫn khống chế được lạm phát?

VOV.VN - Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% đặt ra trong năm nay hoàn toàn khả thi. Tuy vậy, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững, giữ ổn định tỷ giá, kiềm chế được lạm phát, tạo sức bật cho những năm tiếp theo.

Điều hành giá năm 2025: Kiểm soát lạm phát để kinh tế đạt tăng trưởng cao nhất
Điều hành giá năm 2025: Kiểm soát lạm phát để kinh tế đạt tăng trưởng cao nhất

Để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội và Chính phủ đề ra, Phó Thủ tướng yêu cầu công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2025 cần thực hiện kiểm soát tốt lạm phát trong điều kiện các nguồn lực được thúc đẩy mạnh mẽ để đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất.

Điều hành giá năm 2025: Kiểm soát lạm phát để kinh tế đạt tăng trưởng cao nhất

Điều hành giá năm 2025: Kiểm soát lạm phát để kinh tế đạt tăng trưởng cao nhất

Để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội và Chính phủ đề ra, Phó Thủ tướng yêu cầu công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2025 cần thực hiện kiểm soát tốt lạm phát trong điều kiện các nguồn lực được thúc đẩy mạnh mẽ để đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất.

Giá thuê nhà, điện sinh hoạt và ăn uống ngoài gia đình kéo CPI tháng 5 tăng 0,16%
Giá thuê nhà, điện sinh hoạt và ăn uống ngoài gia đình kéo CPI tháng 5 tăng 0,16%

VOV.VN - Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2025 tăng 0,16% so với tháng trước chủ yếu do giá thuê nhà, vật liệu bảo dưỡng nhà ở, điện sinh hoạt và ăn uống ngoài gia đình tăng. CPI tháng 5 tăng 1,53% so với tháng 12/2024 và tăng 3,24% so với cùng kỳ năm trước.

Giá thuê nhà, điện sinh hoạt và ăn uống ngoài gia đình kéo CPI tháng 5 tăng 0,16%

Giá thuê nhà, điện sinh hoạt và ăn uống ngoài gia đình kéo CPI tháng 5 tăng 0,16%

VOV.VN - Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2025 tăng 0,16% so với tháng trước chủ yếu do giá thuê nhà, vật liệu bảo dưỡng nhà ở, điện sinh hoạt và ăn uống ngoài gia đình tăng. CPI tháng 5 tăng 1,53% so với tháng 12/2024 và tăng 3,24% so với cùng kỳ năm trước.