Kiên quyết khắc phục tình trạng chưa chuẩn bị kỹ hồ sơ khi ghi danh dự án đầu tư công
VOV.VN - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương kiên quyết khắc phục tình trạng một số dự án chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ khi ghi danh dự án đầu tư công.
Sáng 17/5, cuộc họp tổ công tác số 3 về công tác giải ngân vốn đầu tư công với 8 Bộ và cơ quan Trung ương đã diễn ra tại Hà Nội.
Lãnh đạo 8 Bộ, cơ quan Trung ương báo cáo về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM.
Theo báo cáo, tính đến hết tháng 4 năm nay, tổng số vốn Ngân ngân sách nhà nước của 8 Bộ, cơ quan Trung ương đã giải ngân là hơn 139 tỷ đồng, đạt 1,9% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức bình quân chung cả nước là 16,35%. Ước giải ngân 5 tháng (tính đến 31/5) đạt khoảng 310 tỷ đồng, đạt hơn 4% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức bình quân chung cả nước là 20,27%. Trong đó 7/8 đơn vị dự kiến giải ngân rất thấp dưới 10%.
Bên cạnh những nguyên nhân chung khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thì giá nguyên vật liệu tăng cao đột biến cũng dẫn đến các nhà thầu chậm triển khai các dự án đã trúng thầu. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho rằng: cơ cấu tổ chức bộ máy trong lĩnh vực này, từ tư vấn, quản lý dự án, gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có nhiều xáo trộn; sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa được nhịp nhàng, thông suốt khi triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, việc giao vốn chậm cũng là nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn chậm. Có dự án tháng 4, Bộ mới được giao vốn, đề nghị Chính phủ giao vốn sớm hơn. Đáng chú ý nhiều dự án vốn ODA đang bị chậm do nhiều quy trình, thủ tục còn phức tạp, cần nhiều thời gian khi thực hiện các điều chỉnh trong dự án.
Ông Phạm Ngọc Thưởng nêu thực tế: "Vướng mắc ở các điều kiện thiết kế dự án theo Luật xây dựng phải xin ý kiến của Bộ Xây dựng, sở xay dựng, sau này lại phải quay lại một lần nữa tiêu chuẩn định mức, diện tích công trình sự nghiệp trước khi phê duyệt, thiết kế dự án thì lại xin ý kiến Bộ Tài chính. Nên những dự án ODA rất chậm. Bên cạnh đó, do cơ chế giám sát quản lý của nhà đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài cán thiệp rất sâu vào các dự án này. Một thay đổi nhỏ thôi có khi 6 tháng mới trả lời lại".
Các ý kiến đề nghị: Tổ chức giao ban định kỳ với các cơ quan đơn vị liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân. Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân vốn tốt hơn. Đồng thời, Chủ đầu tư làm việc và có biên bản với nhà thầu đề nghị nhà thầu cam kết về tiến độ, đảm bảo nhân lực, thiết bị thi công, vật tư...Tại cuộc họp, lãnh đạo 8 Bộ và cơ quan Trung ương cam kết giải ngân vốn ở mức cao nhất trong thời gian tới.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị: Bộ kế hoạch Đầu tư cần hoàn thiện báo cáo chi tiết về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công theo từng bộ, ngành. Các bộ, cơ quan Trung ương tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo kế hoạch được giao. Nhấn mạnh một số dự án chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng cả về hồ sơ và năng lực nhà thầu.
"Kiên quyết khắc phục tình trạng từ sang năm trở đi khi ghi danh dự án đầu tư công thì thủ tục phải cơ bản hoàn thành rồi, không để câu chuyện bay giờ đến tháng 4 rồi mà có một số dự án chưa phân bổ được vốn vì thủ tục dự án đó chưa hoàn thành", Phó Thủ tướng nêu rõ./.