Kinh doanh bền vững và trách nhiệm xã hội

Chỉ khi doanh nghiệp làm tốt trách nhiệm xã hội mới tạo được lòng tin với người tiêu dùng và mới phát triển bền vững.  

Trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp Việt đang nỗ lực tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giá cả phù hợp. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra cũng như thách thức đối với doanh nghiệp là làm thế nào để sản phẩm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và không ảnh hưởng đến môi trường.

Hiện nay, nền kinh tế nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, DN phải tiết giảm nhiều chi phí trong sản xuất, cố gắng để trụ vững trong phát triển giai đoạn kế tiếp. Do đó, càng khó khăn thì DN càng phải coi trọng duy trì những yếu tố nền tảng của sự phát triển trong kinh doanh và trách nhiệm xã hội (TNXH).

Doanh nghiệp làm tốt trách nhiệm xã hội mới tạo được lòng tin với người tiêu dùng

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, kinh doanh bền vững là xu thế tất yếu đang được các quốc gia và DN chú ý trong chiến lược phát triển của mình. Trong thương mại toàn cầu, người tiêu dùng (NTD) không chỉ quan tâm đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ như những năm trước đây, mà còn quan tâm đến việc sản phẩm đó sản xuất ra bằng cách nào, có tuân thủ những nguyên tắc bảo vệ môi trường và thực hiện tốt TNXH (trách nhiệm đối với những người lao động trong DN và đối với cộng đồng) hay chưa. Chỉ khi DN làm tốt TNXH mới tạo được lòng tin với NTD và mới phát triển bền vững. Đây là 2 hoạt động không thể tách rời của những DN, doanh nhân chân chính.

Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Đầu tư cho TNXH là thể hiện đạo đức của người kinh doanh đối với cộng đồng. Khi thực hiện việc này, DN tạo được uy tín với cộng đồng. Từ đó DN có điều kiện tiêu thụ tốt sản phẩm hàng hoá và dịch vụ của mình”.

Ông Partrick Gilabert, Trưởng đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNIDO) cho rằng, Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều đầu tư nước ngoài, nhưng hầu hết DN Việt Nam lại đối mặt với thách thức là không đủ khả năng để đáp ứng quy định ngặt nghèo về TNXH của DN, bởi trên 90% là DN vừa và nhỏ.

Do đó, họ khó có thể tận dụng tối đa lợi ích từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như quy chế thành viên của WTO. Các quy định của EU về an toàn vệ sinh hoặc các tiêu chuẩn ISO cũng đang là trở ngại đối với nhiều DNVN. Do vậy, việc thực hiện TNXH của DN là phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong chuỗi phát triển toàn cầu.

“Việc thực hiện TNXH chính là một cơ hội đối với DN nếu như họ thực sự muốn thâm nhập vào thị trường quốc tế. NTD ở các thị trường lớn họ không muốn sử dụng sản phẩm của DN đối xử không công bằng với người lao động hoặc gây ô nhiễm môi trường”, ông Partrick Gilabert nói.

Theo ý kiến của cộng đồng DN Việt Nam, DN cần nhận thức rõ hơn về Luật Lao động và Luật Môi trường, phải nâng cao tính tuân thủ pháp luật, DN nào không tuân thủ thì Chính phủ phải có biện pháp mạnh để xử lý. Các DN không nên coi những thông lệ tốt về lao động và môi trường là gánh nặng chi phí mà phải coi đó là sự đầu tư cho tương lai nếu như muốn xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường khó tính trên thế giới. Ở trong nước, NTD chắc cũng sẽ đòi hỏi ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn TNXH đối với sản phẩm. ở Bắc Kạn hiện có 53 đơn vị trực tiếp khai thác khoáng sản, nhưng mới có 40% DN làm tốt TNXH, còn lại đang trong lộ trình để xây dựng.

Theo ông Sầm Văn Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh Bắc Kạn, cần thiết phải có một khung pháp lý cho loại hình khai thác khoáng sản. Còn theo ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc TCty Du lịch Sài Gòn, cần có việc làm cụ thể: “TNXH không phải là trích một phần lợi nhuận ra để làm từ thiện mà kinh doanh phải có trách nhiệm với môi trường, chẳng hạn như xử lý nước thải, rác thải, sử dụng hợp lý năng lượng điện, phải tính đến tất cả các phương án phát triển bền vững, lâu dài”, ông Trần Hùng Việt nói.

Một biện pháp nữa để hỗ trợ các DN thực hiện tốt TNXH là cần có cơ chế, quy định khuyến khích DN bằng việc cho phép đưa các chi phí thực hiện TNXH vào chi phí sản xuất kinh doanh. Đồng thời, việc thực hiện tốt TNXH là một trong các tiêu chí đánh giá để DN được hưởng những ưu đãi về đầu tư và sử dụng nguồn lực quốc gia./.  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên