Kinh tế TP.HCM vững vàng trong “cơn gió ngược”

VOV.VN - Năm 2023, TP.HCM nói riêng, nền kinh tế cả nước nói chung gặp nhiều thách thức. Đã có thời điểm, tăng trưởng của “đầu tàu kinh tế” thấp ở mức chưa từng có, nhưng với quyết tâm, nỗ lực và cả sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, kinh tế TP.HCM từng bước trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Đến thời điểm này, có thể nhiều chỉ số tăng trưởng chưa đạt được như dự báo, song đây sẽ là bước đệm cần thiết để TP.HCM đạt mục tiêu tốt hơn trong năm 2024.

Lực cản từ những “cơn gió ngược”

Trải qua hai năm đương đầu với đại dịch Covid-19, kinh tế TP.HCM trong năm 2021 tăng trưởng âm. Sau đại dịch, năm 2022 kinh tế của thành phố bật dậy tương đối mạnh, nhưng chưa kịp lấy đà đã phải đối mặt với những “cơn gió ngược”. Đó là, suy giảm kinh tế toàn cầu, hậu quả của đại dịch, cạnh tranh chiến lược, các xung đột vũ trang, khả năng chống chịu thích ứng của các nước đang phát triển, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...

Quý 1 năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM chỉ đạt 0,7%, mức thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong bối cảnh khó khăn, đầu tư công được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng TP.HCM cũng chỉ giải ngân được khoảng 4%.

Nguyên nhân khiến kinh tế của TP.HCM chạm đáy ngay trong quý đầu tiên của năm 2023 thì có nhiều, có những nguyên nhân nằm ngoài tầm kiểm soát, nhưng có nguyên nhân xuất phát từ thể chế, quy định pháp luật nảy sinh tâm lý sợ sai trong không ít cán bộ.

Để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại, TP.HCM đã thực hiện hàng loạt giải pháp như: Tăng cường đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện chính sách kích cầu tiêu dùng, kích cầu du lịch, thúc đẩy sự phát triển trong liên kết Vùng, quyết liệt trong cải cách hành chính…

Sự chuyển động của cả bộ máy chính quyền cùng sự chung tay góp sức của người dân, doanh nghiệp đã giúp TP.HCM làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, giúp các chỉ số kinh tế bật dậy trong những tháng tiếp theo của năm 2023.

Cụ thể, quý 2, GRDP của TP.HCM tăng 5,87% trong khi của cả nước tăng 5,33%. Quý 3, GRDP của thành phố tăng 6,71% trong khi cả nước tăng 5,33%. GRDP trong quý 4 của TP.HCM có mức tăng trưởng bứt phá với mức tăng 9,62% so với cùng kỳ năm 2022, đứng thứ 2 trong 5 Thành phố Trung ương sau Hải Phòng.

Nói về những cung bậc trong tăng trưởng GRDP của TP.HCM trong năm 2023, chuyên gia kinh tế, TS. Trần Nguyên Đán phân tích: “TP.HCM là đầu tàu cả nước về tăng trưởng kinh tế. Khi mà con số GRDP đó đạt được những tín hiệu khả quan sẽ tạo nên niềm tin cho xã hội, kích thích tiêu dùng, đồng thời tạo niềm tin cho các địa phương khác khi nhìn thấy bức tranh kinh tế ổn định và tốt hơn”.

Quyết liệt nâng cao hiệu quả công vụ

Năm 2023, TP.HCM hướng đến chủ đề “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư”. Đây được xem là yếu tố rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế. Bởi, nền công vụ yếu kém thì hoạt động hành chính bị trì trệ, môi trường đầu tư khó được cải thiện.

Theo PGS.TS Vũ Tuấn Hưng-Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, có những lý do để TP.HCM đặt vấn để nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm 2023. Bởi những hạn chế yếu kém trong hoạt động công vụ, tổ chức bộ máy, bộc lộ sau đại dịch Covid-19 đang là lực cản trong phát triển của thành phố. Khi quá trình chuyển đổi số đang thúc đẩy mọi công việc phải nhanh hơn thì từ thực tiễn của TP.HCM, hoạt động công vụ cũng phải thay đổi để tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn trên cơ sở thể chế đồng hành, thân thiện, thích ứng.

Với các chính sách, quyết định mang tính quyết liệt trong kiểm tra hoạt động công vụ, gắn trách nhiệm với từng cá nhân, gắn hiệu quả công việc với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, sở ngành, gắn với từng chỉ tiêu kinh tế cụ thể và đã đưa lại những kết quả cụ thể. Giải ngân vốn đầu tư công từ 4% trong quý 1, sang quý 2 đạt 23%, quý 3 đạt 35% và ước đến ngày 31/12/2023 sẽ giải ngân được 60% vốn đầu tư công. Thu hút đầu tư nước ngoài cả năm 2023 ước đạt 3,2-3,4 tỷ USD.

Dù rằng so với chỉ tiêu đặt ra, TP.HCM khó có thể cán đích, nhưng việc nâng cao hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính sẽ là bản lề cho sự phát triển của những năm tiếp theo.

PGS.TS Vũ Tuấn Hưng cho rằng: “Với sự quyết tâm đồng bộ, sâu sát thúc đẩy hoàn thiện các yếu tố của tổ chức bộ máy, thể chế, nguồn nhân lực công vụ của TP.HCM là sự lựa chọn kịch bản hành động đúng đắn, chớp thời cơ để lấy đà, xốc lại sự tăng trưởng và phát triển của TP.HCM trong năm 2024 và các năm tiếp theo trên cơ sở hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư trong năm 2023”.

Năm 2023, cũng đánh dấu việc TP.HCM đưa vào khởi công và sử dụng hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như: Dự án Vành đai 3, dự án nút giao thông An Phú, dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ, dự án mở rộng Quốc lộ 50; khởi công, hoàn thiện và đưa vào sử dụng nhiều dự án đã ngừng thi công nhiều năm, có dự án hàng chục năm như: Cầu Vàm Sắt 2, cầu Long Kiểng. Từ đó khởi thông điểm nghẽn giao thông, tạo đà phát triển cho vùng ven trung tâm thành phố.

Về kết quả phát triển kinh tế xã hội của năm 2023, tại cuộc họp HĐND TP.HCM đợt cuối năm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá: “Chính phủ, Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá rất cao những nỗ lực không mệt mỏi của hệ thống chính quyền thành phố. Từ khối lượng công việc với yêu cầu và thời gian, với kết quả làm được, chúng ta có thể thấy, thành phố vừa làm tới, vừa làm lui. Có nghĩa là khi triển khai kế hoạch hành động để cho thành phố phát triển thì đồng thời cũng phải có chương trình, kế hoạch, một bộ phận tiếp tục xử lý những vướng mắc, khó khăn, tồn đọng”.

Năm 2024 được dự báo còn nhiều khó khăn không chỉ riêng với TP.HCM mà cả với nền kinh tế chung của cả nước. Song với những kết quả đã làm được trong quản trị, điều hành, nỗ lực trong cải cách hành chính, nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ và sự góp sức, chung tay của doanh nghiệp và nhân dân, đầu tàu kinh tế của cả nước sẽ lại có những bước tiến vững vàng trong “cơn gió ngược”.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

TP.HCM chuẩn bị đón đầu "chu kỳ" kinh tế mới
TP.HCM chuẩn bị đón đầu "chu kỳ" kinh tế mới

VOV.VN - Kinh tế TP.HCM thời gian qua được đánh giá đã có những bước hồi phục khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc phục hồi này được đánh giá là chưa bền, chỉ là trong ngắn hạn.

TP.HCM chuẩn bị đón đầu "chu kỳ" kinh tế mới

TP.HCM chuẩn bị đón đầu "chu kỳ" kinh tế mới

VOV.VN - Kinh tế TP.HCM thời gian qua được đánh giá đã có những bước hồi phục khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc phục hồi này được đánh giá là chưa bền, chỉ là trong ngắn hạn.

TP.HCM cần tháo gỡ khó khăn về thủ tục đất đai, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
TP.HCM cần tháo gỡ khó khăn về thủ tục đất đai, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

VOV.VN - TP.HCM cần khơi nguồn lực đất đai để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đó là kiến nghị của đại biểu tại cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội 9 tháng năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho Quý 4.

TP.HCM cần tháo gỡ khó khăn về thủ tục đất đai, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

TP.HCM cần tháo gỡ khó khăn về thủ tục đất đai, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

VOV.VN - TP.HCM cần khơi nguồn lực đất đai để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đó là kiến nghị của đại biểu tại cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội 9 tháng năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho Quý 4.

Doanh nghiệp TP.HCM đồng thuận phát triển kinh tế xanh
Doanh nghiệp TP.HCM đồng thuận phát triển kinh tế xanh

VOV.VN - TP.HCM đang tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó xác định tăng trưởng xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.

Doanh nghiệp TP.HCM đồng thuận phát triển kinh tế xanh

Doanh nghiệp TP.HCM đồng thuận phát triển kinh tế xanh

VOV.VN - TP.HCM đang tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó xác định tăng trưởng xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.