Kinh tế Việt Nam chưa tương xứng với quy mô dân số
VOV.VN - Nếu tính thu nhập danh nghĩa của Việt Nam năm 2012 chỉ khoảng 1.500 USD/người là mức thấp.
Theo số liệu mới công bố của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính ngang giá sức mua của Việt Nam tương đương 322 tỉ USD. Như vậy, kinh tế Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 42/214 nước trên thế giới, vượt trên nhiều nước Châu Âu phát triển như Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch và đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, thứ hạng này có thực sự là tín hiệu lạc quan của kinh tế Việt Nam không? Phóng viên VOV phỏng vấn TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý trung ương, Bộ Kế hoạch và đầu tư về vấn đề này.
PV: Theo bảng xếp hạng kinh tế của WB vừa công bố, kinh tế Việt Nam xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 42 trên thế giới; trong khi quy mô dân số của Việt Nam hiện đứng thứ 13 trên thế giới. Điều này có ý nghĩa như thế nào thưa ông?
TS. Võ Trí Thành |
Đằng sau con số ấy cho thấy, hơn 20 năm qua, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối tốt, qua đó, phản ánh được khả năng năng lực của nền kinh tế, giá trị tăng thêm tạo ra nhiều hơn và thu nhập được cải thiện.
Con số thứ hai lại nói lên vị trí của Việt Nam rất ít thay đổi trong nhiều năm qua, nó đứng thứ 12, 13, 14. Quy mô kinh tế tăng thì thu nhập tăng, nhưng hai con số này phản ánh Việt Nam là nước vươn lên ngưỡng thu nhập trung bình nhưng còn rất nghèo, dân số trong tuổi lao động ở mức rất cao, ít thay đổi, mặc dù GDP có thay đổi nhưng vị trí thấp hơn nhiều so với dân số.
Nếu chia ra, thu nhập danh nghĩa của Việt Nam năm 2012 chỉ khoảng 1.500 USD, đây là mức thấp. Điều này cho thấy Việt Nam còn nhiều dư địa, còn cần hơn cải cách kinh tế để đưa Việt Nam có mức sống tốt hơn, đằng sau là chất lượng cuộc sống tốt hơn.
PV: Như ông vừa nói thì Việt Nam còn nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển. Vậy theo ông, thời gian tới, Việt Nam cần làm gì để cải thiện thứ hạng cho tương xứng với quy mô dân số?
TS. Võ Trí Thành: Như tôi đã nói, các con số cho thấy Việt Nam còn rất nhiều điều phải làm, phải cải cách để tiếp tục con đường phát triển của mình, thậm chí nhiều người nói là cải cách lần 2.
Những cải cách thực chất hơn, mặc dù vấp phải khó khăn nhưng là đòn bẩy để Việt Nam tiếp tục đi lên. Cải cách cơ bản là giữ ổn định kinh tế vĩ mô; cải tổ nền kinh tế, xây dựng một nền kinh tế thị trường minh bạch, rõ ràng hơn và tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế.
Còn dân số Việt Nam đang ở giai đoạn rất đẹp, tức là dân số vàng, nhưng thời kỳ dân số vàng này không còn nhiều, chỉ 10-15 năm nữa. Chính vì vậy, tận dụng được hay không là rất quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn là câu chuyện quy mô dân số./.
PV: Xin cảm ơn ông!./.