Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng sát với thực tiễn

(VOV) - Các tổ chức quốc tế nhận định, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục khó khăn trong 3 tháng còn lại và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Ba tổ chức quốc tế là Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế vừa đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay trên 5%. Điều này cũng trùng với dự báo của Chính phủ Việt Nam tại phiên họp thường kỳ tháng 9 vừa qua.

Trong vòng 1 tuần qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều đưa ra dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay đạt từ 5,1 - 5,2% và kinh tế sẽ phục hồi vào năm 2013 với mức tăng trưởng dự kiến từ 5,7 - 5,9%. Mặc dù dự báo trên thấp hơn so với dự báo cách đây 4 tháng nhưng các tổ chức quốc tế đánh giá cao các biện pháp kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ Việt Nam.

Một trong những ví dụ cụ thể là chính sách tài khóa dần được nới lỏng. Việt Nam đã liên tục hạ lãi suất từ 15% hồi cuối năm 2011 xuống 11% vào giữa năm nay để thích ứng với sự đi xuống của lạm phát. Cán cân vãng lai của Việt Nam tiếp tục ở mức lạc quan, khoảng 0,3% GDP trong năm 2012, tăng nhẹ so với mức 0,2% của năm 2011, trong khi Việt Nam tiếp tục có lợi thế trong xuất khẩu.

Ông Rajat Nag, Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng: “Chúng tôi vẫn hết sức tin tưởng vào sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Nhưng điều quan trọng hiện nay là Việt Nam cần tiếp tục quá trình cải cách mạnh mẽ. Việt Nam cần nỗ lực thực thi các chính sách đã đề ra, tăng cường quản trị nhà nước tốt hơn, tái cấu trúc các doanh nghiệp và nền kinh tế để Việt Nam phát triển bền vững hơn”.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 9 vừa qua, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, GDP 9 tháng qua của Việt Nam tăng 4,73%. Trong 3 tháng còn lại của năm nay, nếu GDP tăng trưởng từ 6-6,5% thì tính chung, cả năm, GDP có khả năng tăng trưởng từ 5 - 5,2%. Con số này tuy thấp hơn so với mục tiêu Quốc hội đề ra nhưng đó là cả một nỗ lực trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới nên ảnh hưởng của khủng hoảng đối với Việt Nam rất rõ: “Nền kinh tế của chúng ta hiện nay là nền kinh tế mở và độ mở rất lớn. Chỉ tính riêng xuất nhập khẩu cộng lại đã lớn hơn GDP 1,7 lần. Điều đó cho thấy chúng ta là một phần của kinh tế thế giới. Kinh tế thế giới khủng hoảng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, đầu tư, du lịch… Và kinh tế thế giới năm nay, các tổ chức quốc tế dự báo tiếp tục ảm đạm”.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay tăng trưởng khoảng 3,3%, thấp hơn mức 3,5% dự báo hồi tháng 7. IMF nhận định: Khó khăn của các nền kinh tế phát triển sẽ ảnh hưởng tới các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, trong đó có Việt Nam với mức lạm phát dự báo năm nay khoảng 8,1%. IMF khuyến nghị, chính sách tiền tệ và tài khóa của Việt Nam vẫn phải hết sức cẩn trọng. Ngoài ra, việc duy trì mức chi phí vốn vay thấp thông qua quá trình ổn định hệ thống tài chính sẽ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực đóng góp 30-40% GDP cho nền kinh tế, hoạt động hiệu quả và gia tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

IMF: tài chính toàn cầu đứng trước nguy cơ bất ổn
IMF: tài chính toàn cầu đứng trước nguy cơ bất ổn

Giám đốc kiêm Cố vấn tài chính của IMF: cần có những chính sách chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo ổn định tài chính toàn cầu.

IMF: tài chính toàn cầu đứng trước nguy cơ bất ổn

IMF: tài chính toàn cầu đứng trước nguy cơ bất ổn

Giám đốc kiêm Cố vấn tài chính của IMF: cần có những chính sách chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo ổn định tài chính toàn cầu.