Kỹ thuật nhân giống cây luồng bằng phương pháp giâm cành
VOV.VN - Luồng là cây dễ trồng, đầu tư ít, phù hợp với điều kiện kinh tế và tập tục canh tác của đa số các hộ gia đình nông dân miền núi.
Luồng có tên khác gồm: Luồng Thanh Hóa, Mét, Cọ luông, Mạy sang mú. Tên khoa học: Dendrocalamus barbatus Hsueh et D.Z.Li. Họ: Hòa thảo (Poaceae).
1. Chọn cây lấy giống
Chọn những cây bánh tẻ từ 8 - 14 tháng tuổi, thân xanh lá mạ phát triển đầy đủ cành lá, chồi ngủ to và khỏe, không bị sâu bệnh để chọn làm giống.
Cây lấy giống phải có năng suất măng cũng như có năng suất các sản phẩm cuối cùng vượt 15% so với năng suất trung bình của đám rừng có cây giống, sinh trưởng từ mức trung bình trở lên.
2. Thời vụ nhân giống
Có 2 vụ chính:
- Vụ xuân vào tháng 2 - 4.
- Vụ thu vào tháng 7 - 9.
3. Nhân giống luồng từ giâm cành
a. Chọn cành giâm: Lấy những cành bánh tẻ màu xanh thấm, có phần gốc cành lơn hơn 1cm ở cây mẹ 12 - 16 tháng tuổi. Cưa sát phần đùi gà và thân, chặt bỏ ngọn cành, để lại 35 - 40 cm (3 - 4 dóng).
b. Xử lý cành giâm: Ngâm gốc cành vào dung dịch hoá chất thuốc kích thích sinh trưởng. Lấy cành đến đâu ngâm luôn không để héo. Sau 8 - 10 giờ, vớt cành, ủ với cát ẩm (1 kg cát khô + 0,5 lít nước) hoặc mùn cưa (1 kg mùn cưa + 1 lít nước), nơi ủ phải thoáng mát.
Xếp cành nghiêng một góc 600C trên nền đất trong lán, cứ một lớp cành thì vùi một lớp mùn cưa hoặc cát dày khoảng 20 cm, 15 ngày đầu giữ cho độ ẩm của mùn cưa hoặc cát trong khoảng 85 - 90%, sau đó độ ẩm của mùn cưa, cát có thể giảm đi một chút.
c. Ươm giống: Sau thời gian ủ từ 20 - 25 ngày, quan sát cành nào có rễ cám và chồi ngủ phát triển mạnh thì đem ra ươm tại vườn hoặc trong bầu, những cành khác tiếp tục ủ cho đến khi ra rễ cám.
+ Ươm tại vườn: Đất khu ươm phải tơi xốp, bằng phẳng, gần nguồn nước, tiện đường vận chuyển, đất vườn ươm phải là đất thịt hoặc đất thịt nhẹ, làm đất kỹ, bón phân lót, lên luống nếu nền đất thấp dễ ngập úng, nền đất cao thì ươm theo rạch.
Cự ly cây ươm trên luống 25 x 40 cm, hoặc 25 x 30 cm. Lèn chặt gốc cành giâm, rồi tưới nước theo rạch, với lượng nước tưới 5 lít/m2, sau đó lấp đất vào rạch cho bằng mặt luống. Khi trời nắng phải làm giàn che (cao 2 - 2,5 m so với mặt luống). Thường xuyên tưới nước, làm cỏ phá váng, bón thúc bằng phân chuồng hoai và phòng trừ sâu bệnh nhất là sâu cắn lá.
Giảm dần lượng nước tưới để cây con thích nghi với điều kiện sống khi trồng: 10 ngày đầu tưới đều, 1 ngày 1 lần, 5 lít/m2. Sau 10 ngày thì cứ 4 - 5 ngày tưới 1 lần, khi cây trồng được hơn một tháng định kỳ 10 - 20 ngày tưới một lần, mỗi lần tưới 10 lít/m2.
Sau 6 - 8 tháng, khi măng đã ra lá, không bị sâu bệnh thì có thể xuất vườn.
+ Ươm giống trong bầu: Vỏ bầu làm bằng polyetylen hoặc bằng đất, kích thước 10 x 15 cm hoặc 13 x 18 cm, bầu phải thủng đáy. Thành phần ruột bầu gồm 85% đất thịt nhẹ + 15% phân chuồng hoai trộn đều. Khi cho hỗn hợp ruột bầu vào bầu chú ý chỉ cho đến 1/3 chiều cao của bầu, sau đó lèn chặt rồi cho cành ươm đã xử lý vào bầu, tiếp tục cho đất đã trộn phân đến 3/4 bầu rồi lèn chặt, sau đó tưới ít nước, tiếp tục cho hỗn hợp vào đầy đến miệng bầu, không lèn chặt phần ruột bầu phía trên.
Bầu đặt cách nhau 13 cm, phủ đất kín đến 3/4 chiều cao của bầu, vườn ươm phải có giàn che từ 40 - 50% ánh sáng mặt trời. Thường xuyên chăm sóc cây ươm như: tưới nước, làm cỏ, phá váng, bón thúc.
+ Tiêu chuẩn cây giống xuất vườn: Cành giâm từ 6 - 8 tháng tuổi. Có ít nhất một thế hệ mới đã ra lá (mọc từ mắt ngủ của mấu cành), bộ rễ ra nhiều, phát triển mạnh, nhiều lá mới màu xanh.
+ Ưu điểm: Giống cành giâm có thể sản xuất được số lượng lớn đảm bảo trồng rừng luồng trên quy mô lớn với giá thành hợp lý; dễ vận chuyển, chủ động thời vụ, tỷ lệ sống cao, dễ làm.
+ Nhược điểm: Tốn công chăm sóc trong thời gian phải giâm tạm, thời gian thành rừng lâu hơn so với các giống khác./.