Lãi suất 4,8%/năm, thêm cơ hội mua nhà cho người thu nhập thấp
VOV.VN - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội...
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định 100/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi đối với các đối tượng quy định ở Nghị định 100 sẽ là 4,8% một năm (tương đương 0,4%/tháng), lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.
Ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. |
Quyết định này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2016, áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016. Đây là một tin vui đối với người thu nhập thấp trên cả nước, nhanh chóng được người dân đón nhận. Tuy nhiên, vẫn còn không ít băn khoăn vì thời gian áp dụng mức lãi suất này chỉ trong khoảng 6 tháng.
Gói ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng khép lại vào thời điểm 31/3/2016 khiến rất nhiều người thu nhập thấp thất vọng vì không còn cơ hội vay vốn ưu đãi để mua nhà. Họ tiếp tục mong ngóng một chính sách mới của Chính phủ hỗ trợ người thu nhập thấp thực hiện giấc mơ an cư. Vì thế, ngay khi biết thông tin về chương trình cho vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội chỉ với lãi suất 4,8%, còn thấp hơn gói 30 nghìn tỷ trước đây, nhiều người thu nhập thấp rất phấn khởi.
Chị Chu Xuân Tuyên, giáo viên ở quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Tôi đã chờ đợi thông tin về lãi suất ưu đãi mới đối với nhà ở xã hội khá lâu rồi nên khi được biết Chính phủ đưa ra mức lãi suất 4,8%/năm, tôi rất mừng vì đã mở ra thêm nhiều cơ hội cho những người có thu nhập bình quân thấp có thể mua nhà. Tuy nhiên, tôi cũng khá băn khoăn, lo lắng vì thời hạn cho vay 4,8% chỉ áp dụng đến cuối năm nay, không biết thời gian ngắn như vậy có kịp mua được nhà hay không”.
Quyết định của Thủ tướng có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2016, tức là chỉ còn khoảng 6 tháng nữa. Do đó, những lo lắng của người dân là có cơ sở, vì còn tiếp tục phải đợi những văn bản hướng dẫn cách triển khai. Ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phân tích, thời gian triển khai trong vòng 6 tháng, mà chính sách nào cũng có độ trễ nhất định mới đi vào cuộc sống. Vì vậy, cần sự vào cuộc khẩn trương của các cơ quan chức năng, nếu không sẽ rất khó khăn: “Khó khăn thứ nhất là nguồn vốn mà Chính phủ cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người dân vay sẽ được xử lý thế nào. Theo tôi được biết thì việc đó hiện đang rất khó khăn, kể cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang có ý kiến rất khó khăn trong cấp vốn để thực hiện nhiệm vụ này.
Vấn đề thứ 2 là từ chính sách đến việc thực hiện vẫn là một khoảng cách. Trong vòng 6 tháng nếu không có sự nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ cũng như Ngân hàng Chính sách xã hội để giải thích rõ ràng hơn, thủ tục cụ thể thế nào để Ngân hàng Chính sách xã hội có thể cho người dân vay được thì chính sách sẽ vẫn chỉ là chính sách”.
Như vậy, song song với quyết định kéo dài thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng tới cuối năm 2016 vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, người thu nhập thấp có thêm sự lựa chọn vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với mức lãi suất thấp hơn gói vay 30.000 tỷ đồng tại một số ngân hàng thương mại 0,2% một năm. Đây là nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người thu nhập thấp. Cùng với những kinh nghiệm, bài học rút ra từ gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, người dân kỳ vọng Quyết định này của Thủ tướng sẽ nhanh chóng được hiện thực hóa trong thực tiễn, tiếp tục giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở cho người dân./.