Lãi suất cần đưa dần về đúng với thị trường
(VOV) -Trong năm 2012, lòng tin vào đồng nội tệ được khôi phục, giúp giảm mặt bằng lãi suất tiền Việt về xấp xỉ mức của năm 2007.
Nhìn lại cách điều hành thị trường tiền tệ, lãi suất năm 2012, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: Năm 2012, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã có nhiều đổi mới, các công cụ CSTT được điều hành thận trọng, linh hoạt theo lộ trình, bước đi thích hợp, kết hợp với việc đẩy mạnh thanh tra giám sát, bảo đảm an toàn hệ thống, tăng cường minh bạch hóa, thúc đẩy công tác thông tin truyền thông và triển khai Đề án tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng.
Để chứng minh cho điều này, Thống đốc dẫn chứng: Nếu như cuối năm 2011, rủi ro bất ổn vĩ mô vẫn ở mức cao như lạm phát, nhập siêu, tỷ giá biến động, lãi suất trong nước tăng cao thì từ đầu quý II/2012 các hoạt động kinh tế lại gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi chính sách vĩ mô của Nhà nước, trong đó có chính sách tiền tệ, phải được điều hành thận trọng linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước.
Thành quả nổi bật về điều hành chính sách của NHNN năm 2012 có thể kể đến đầu tiên là việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã góp phần kiếm soát lạm phát, cải thiện các cân đối kinh tế vĩ mô; Tín dụng đối với nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và những lĩnh vực đóng vai trò chiến lược của nền kinh tế như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, giảm tín dụng đối với các lĩnh vực có rủi ro cao như cho vay kinh doanh bất động sản, kinh doanh chứng khoán (Lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ ở mức 9-12%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác và tiêu dùng ở mức 12-15%/năm, trong đó lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt chỉ từ 9-11%/năm); Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng dần ổn định, thanh khoản cải thiện mạnh mẽ, hệ thống ngân hàng huy động được một lượng tiền đồng lớn từ nền kinh tế do lòng tin vào đồng nội tệ được khôi phục, giúp giảm mặt bằng lãi suất đồng Việt Nam giảm về xấp xỉ mức của năm 2007 là thời điểm trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu;Tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định.
Vẫn còn nhiều thách thức
Nhìn về những cái “chưa được” của chính sách tiền tệ năm 2012, TS. Nguyễn Đức Trung- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho rằng: Với việc thu hẹp tín dụng, hệ số an toàn vốn của toàn hệ thống (VTC/TTSRR) ở mức 14% so với quy định tối thiểu 9% cũng có thể coi như hệ quả tất yếu. Tuy nhiên, so với năm 2011, tỷ lệ đòn bẩy tài chính (tổng tài sản/VTC) vẫn ở mức cao. Theo khuyến nghị và chuẩn mực của Basel III, trong bối cảnh kinh tế suy giảm, tỷ lệ VTC/tổng tài sản sẽ chính xác hơn so với tỷ lệ VTV/TTSRR trong đo lường mức độ “đủ vốn” của các ngân hàng. Ngoài ra, tình trạng sở hữu chéo khiến tổng giá trị thực của vốn tự có thực tế đang nhỏ hơn giá trị được thống kê. Bên cạnh sự quan ngại trong đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh của từng NHTM, tăng trưởng tín dụng thấp, trích lập dự phòng rủi ro cao cũng như “thiếu may mắn” trong các hoạt động phi tín dụng, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến vàng, là những nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận của hệ thống NHTM sụt giảm mạnh và không đạt chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch.
Về cách điều hành lãi suất theo lạm phát kỳ vọng, ông Phạm Xuân Hòe – Phó Vụ trưởng chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng, với cách điều hành này, cứ khi mặt bằng giá chung có thay đổi thì lập tức mọi hướng điều hành chính sách phải nhìn vào cửa này. Chính vì vậy, theo ông Hòe, yếu tố lạm phát kỳ vọng cần có định hướng dư luận rõ ràng để mức độ tác động thấp đi khi đó hệ thống chính sách vĩ mô của các nhà làm chính sách cũng bớt giảm bớt áp lực hơn.
Ngoài ra, do đặc thù kinh tế Việt Nam, kênh tín dụng vẫn chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất – kinh doanh nên áp lực dồn lên hệ thống NH. Hiện nay, các NH tăng trưởng thấp, nhưng với việc tồn kho cao, các DN suy giảm về tài chính, vì thế các điều kiện đáp ứng vay vốn đối với các TCTD không còn đảm bảo đầy đủ nữa.
Nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ cũng như tăng cường sự lành mạnh, an toàn và hiệu quả của hệ thống ngân hàng trong năm 2013, các chuyên gia kinh tế, tài chính cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ cần gắn với việc kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, bình ổn kinh tế vĩ mô; cách thức bảo đảm phát huy tối đa những hiệu quả của công cụ trần lãi suất cho vay; tăng cường thanh tra, giám sát với hệ thống ngân hàng; hướng xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng với phương thức trực tiếp và gián tiếp (liên quan đến chứng khoán hóa các khoản vay); hướng xử lý vấn để sở hữu chéo.