Lạm phát sẽ quanh mức 6 - 7% năm 2014
VOV.VN-Theo HSBC, lạm phát nên tiếp tục được kiềm chế trong năm 2014 và lưu ý rằng, giá điện tăng sẽ tăng áp lực lạm phát.
Khảo sát triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam do Ngân hàng HSBC vừa công bố có đưa ra kỳ vọng, lạm phát cơ bản sẽ xoay quanh mức 6-7% trong năm nay.
Cần tiếp tục kiềm chế lạm phát
Về lạm phát tại Việt Nam, HSBC phân tích: Lạm phát tháng Giêng cho thấy nhu cầu vẫn duy trì ở mức thấp. Lạm phát toàn phần đã chậm lại từ mức 6% trong tháng 12 xuống còn 5,5% trong tháng Giêng so với cùng kỳ năm ngoái. Xét về tính liên tục, giá cả toàn phần có điều chỉnh mùa vụ đã tăng 0,3% so với tháng trước từ mức 0,8% trong tháng 12.
Giá cả thực phẩm đã giảm xuống còn 4,5% trong tháng Giêng so với năm ngoái |
Giá cả thực phẩm đã chậm lại từ mức 5,1% trong tháng 12 xuống còn 4,5% trong tháng Giêng so với năm ngoái. Xét về tháng, lạm phát giá thực phẩm đã tăng 0,8% so với tháng trước trong khi tháng 12 chỉ tăng 0,5%. Lạm phát cơ bản phản ánh nhu cầu tuột khỏi tình hình giá cả biến động như giá thực phẩm và vận chuyển đã giảm từ mức 7,4% trong tháng 12 xuống còn 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
HSBC kỳ vọng lạm phát cơ bản sẽ xoay quanh mức 6-7% trong năm nay. Lạm phát nên tiếp tục được kiềm chế trong năm 2014 mặc dù trong năm 2013 có tăng nhẹ do giá cả thực phẩm tăng cao. Giá điện tăng cũng góp phần vào áp lực lạm phát.
Nền kinh tế vượt qua khó khăn
Theo phân tích của HSBC, tăng trưởng lĩnh vực sản xuất chắc chắn là một tín hiệu lạc quan, đặc biệt là khi dòng vốn ngoại đang đổ vào mạnh mẽ và sự giới thiệu các chuẩn mực sản xuất quốc tế vào Việt Nam. Điều này sẽ giúp nền kinh tế vượt qua một thời kỳ đầy khó khăn như hoạt động đầu tư và tiêu thụ chậm chạp.
Tuy nhiên theo HSBC, trong suốt giai đoạn này, “một chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa cũng rất quan trọng”. Chiến lược này có đang gia tăng mối quan hệ của các doanh nghiệp trong nước với chuỗi cung ứng, cải thiện các giá trị cộng thêm vào hoạt động sản xuất bên cạnh nguồn nhân công giá rẻ và nguyên vật liệu thô hay không, HSBC vẫn tin rằng, cần phải có một lộ trình chính sách để đảm bảo các doanh nghiệp trong nước không bị tụt hậu lại phía sau.
Nếu thất bại trong việc thực thi chiến lược này, HSBC cho rằng, sẽ phát sinh nguy cơ khiến nền kinh tế phát triển không ổn định, từ đó có thể gây hậu quả trong tương lai khi chi phí nhân công lao động bắt đầu tăng mạnh.
Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thể hiện chưa tốt
Hiện thị phần của các doanh nghiệp nội địa trong bức tranh tổng quan ngành xuất khẩu đã giảm kể từ năm 2009. Điều này một phần phản ảnh nhu cầu đối với hàng xuất khẩu trên toàn cầu đang chậm lại cũng như các điều kiện trong nước khó khăn đang cản trở năng suất và khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
Mặc dù các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã phục hồi từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn thể hiện chưa tốt. Điều này một phần phản ảnh giá cả hàng hoá thấp cũng như nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn rất mong manh vốn đang cố gắng để phục hồi hậu quả từ những năm phân bổ nguồn vốn thiếu hiệu quả.
Về những nguồn lực chính đứng sau hoạt động xuất khẩu nổi bật của Việt Nam, HSBC chỉ ra: Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á có ngành xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số kể từ thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Xuất khẩu hàng sản xuất đã gia tăng trong nhiều năm, đặc biệt là kể từ năm 2011.
Nhưng quan sát kỹ, đa phần hoạt động sản xuất tăng bởi lĩnh vực điện thoại và phụ kiện vốn không thực sự tồn tại những năm trước 2011. Điều này cho thấy dòng vốn FDI của các doanh nghiệp như Samsung đã tăng lên.
“Đây không hẳn là tín hiệu tiêu cực nếu như các doanh nghiệp này trước đây cần phải xây dựng nhân công và đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Đây là một nhắc nhở quan trọng rằng Việt Nam đã không chuyển dịch đáng kể khỏi một nền kinh tế trồng trọt và tương lai phát triển đất nước còn xa”- HSBC nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, HSBC cho rằng, FDI chắc chắn là tín hiệu lạc quan hơn cho sự ổn định kinh tế của Việt Nam khi được chứng tỏ bằng năng lực phục hồi tương đối của Việt Nam trong bối cảnh tình hình biến động ở các thị trường tài chính gây ảnh hưởng đến những quốc gia quá phụ thuộc vào nguồn vốn danh mục đầu tư cho quá trình phát triển. Tuy nhiên, chỉ tính FDI không thôi thì chưa đủ mà rất cần một nỗ lực phối hợp để tối đa hoá các lợi ích.
HSBC cũng dẫn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 1/1/2014 cho hay, Thủ tướng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nhắm đến một sân chơi công bằng và cải thiện kỹ năng cho lực lượng lao động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Thông điệp này cho thấy các nhà làm chính sách đã được thông tin đầy đủ về những khó khăn của nền kinh tế. Vấn đề đặt ra hiện nay là vấn đề thời gian và tốc độ của những cuộc cải cách trong những năm tới./.