Lạm phát tại châu Âu thiết lập kỷ lục mới
Lạm phát ở nhiều quốc gia khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã leo lên mức hai con số, tiếp tục ghi nhận thêm một mức cao kỷ lục mới trong tháng 10.
Hậu quả tiêu cực do xung đột tại Ukraine, cùng tình hình giá năng lượng, giá lương thực và nhiều mặt hàng tăng cao, tiếp tục gây ra tổn thất nặng nề cho các nền kinh tế châu Âu.
Tại Đức, lạm phát đã tăng 10,4% trong tháng 10, cao hơn so với mức kỷ lục 10% ghi nhận tháng trước đó. Giá năng lượng và thực phẩm tăng, trong đó giá tiêu dùng trong tháng 9 tăng 10% so với cùng tháng năm 2021, là những nguyên nhân chính khiến lạm phát tiếp tục gia tăng tại Đức. Các chuyên gia dự đoán về một cuộc suy thoái mùa Đông, do giá cả tiếp tục tăng cao đang làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng.
Lạm phát tại Italy đã tăng 11,9% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng cao nhất trong gần 40 năm qua. Dữ liệu lạm phát tháng 10 cao hơn 3 điểm % so với mức kỷ lục gần nhất là 8,9% của tháng 9 và là mức cao nhất từ năm 1983 tại Italy. Đây cũng là lần đầu tiên lạm phát lên mức 2 con số kể từ khi Italy chuyển sang sử dụng đồng Euro vào năm 1999. Nguyên nhân chính đẩy lạm phát leo thang là chi phí năng lượng tăng mạnh.
Chịu sự chi phối của giá năng lượng, thực phẩm và hàng hóa tăng cao, lạm phát của Pháp trong tháng 10 đã tăng 6,2% so với năm trước. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1985. Thực phẩm là một trong những nhóm hàng hóa có mức tăng giá mạnh nhất, gần 12%. Trong khi đó, giá năng lượng tăng gần 20%, mặc dù Chính phủ Pháp đã có biện pháp can thiệp hỗ trợ hóa đơn chi trả cho người dân để kiềm chế mức lạm phát ở mặt bằng thấp./.