Làn sóng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam

VOV.VN -Hiện các DN Trung Quốc đã chuyển từ quan hệ thương mại thuần túy sang đầu tư làm ăn lâu dài ở Việt Nam.

Theo dự đoán của ông Yu Suo – Tổng giám đốc Khu công nghiệp Long Giang (tỉnh Tiền Giang- LJIP), khoảng 15-20 năm nữa, sẽ có một làn sóng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam. Chỉ trong vòng 10 năm qua, số lượng DN Trung Quốc đầu tư và xác định làm ăn lâu dài ở Việt Nam đã tăng lên đáng kể, hiện đã có khoảng 280 DN. Các DN này thay đổi chiến lược từ quan hệ thương mại sang đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Ông Yu Suo

Trong câu chuyện với VOV online, ông Yu Suo chia sẻ về những ngày đầu chuyển từ làm ăn thương mại sang đầu tư ở Việt Nam. “Trong năm 2005, nhiều DN Trung Quốc muốn đầu tư sang Việt Nam nhưng không biết làm thế nào, thủ tục ra sao. Tôi và các cổ đông làm việc ở Việt Nam năm 1996 kinh doanh đồ giả da quyết định chuyển hướng đầu tư. Tôi thấy môi trường kinh doanh, con người ở đây thuận lợi cho việc đầu tư kinh doanh của mình và quyết định xây dựng Khu công nghiệp”.

PV: Để được vào đầu tư trong KCN Long Giang, doanh nghiệp phải đáp ứng những tiêu chí gì, thưa ông?

Ông Yu Suo: Tiêu chí đầu tiên là nhà đầu tư phải có trình độ công nghệ, đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của Việt Nam. Hiện tại, trong KCN này có các DN công nghệ hàng đầu như: DN dệt may Thiên Hồng của Hồng Kông, Công ty Hải Lượng đứng đầu thế giới về sản xuất dây đồng… Một số DN nổi tiếng của thế giới đã đầu tư vào KCN Long Giang. Hiện KCN đã lấp đầy được 40%. Chúng tôi còn 60% cần mời gọi đầu tư nên còn khá nhiều việc phải làm. Chúng tôi đang tập trung kêu gọi các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…

PV: Trong quá trình đầu tư, có gì thay đổi so với dự kiến ban đầu của ông hay không?

Ông Yu Suo: Đầu tiên, chúng tôi xác định xây dựng KCN với khoảng 100 DN, tương đương 100.000 lao động. Nhưng tình hình đã thay đổi rất nhiều. Trước đây chúng tôi tính toán đầu tư cho các DN vừa và nhỏ. Nhưng thực tế, DN đã đầu tư với qui mô lớn hơn rất nhiều. Mới chỉ có 16 DN đầu tư vào KCN nhưng đã đạt 40% diện tích. Điều này cho thấy, các DN đến đầu tư vào Việt Nam ngày càng có qui mô lớn hơn, chất lượng ngày càng được nâng cao. Vì trình độ kỹ thuật cao nên việc sử dụng lao động cũng ít hơn nhiều. Chúng tôi không cảm thấy có áp lực gì mà cảm thấy vui vì KCN đã phát triển hơn so với dự kiến. Chúng tôi cũng tự hào Long Giang là một trong những KCN có tốc độ kêu gọi đầu tư nhanh nhất ở Việt Nam.

Doanh nghiệp Hải Lượng

PV: Ưu thế lớn nhất của KCN Long Giang khi kêu gọi đầu tư là gì, thưa ông?

Ông Yu Suo: Với khoảng cách khoảng 50 km đến nội thành TP. Hồ Chí Minh, cảng Sài Gòn, cảng Hiệp Phước, và khoảng 35 km đến cảng Bourbon (Bến Lức), việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu từ LJIP đi các nơi hết sức thuận lợi. Ngoài ra, nhờ có tuyến đường cao tốc mới xây dựng TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương nên không lo ngại chuyện ách tắc giao thông, hàng hóa.

Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cũng khá ưu đãi, 15 năm từ khi có doanh thu với mức thuế là 10%, bao gồm 4 năm miễn thuế từ khi có lợi nhuận, và 9 năm tiếp theo được giảm 50% trên số thuế phải nộp. Nhà đầu tư còn được miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị tạo tài sản cố định và được miễn 5 năm thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư và bán thành phẩm mà trong nước chưa sản xuất được.

PV: Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi phương thức làm ăn của DN Trung Quốc ở Việt Nam?

Ông Yu Suo: Trước đây, các DN không có tư tưởng đầu tư làm ăn lâu dài ở Việt Nam vì họ chủ yếu làm thương mại. Quan niệm của họ là chỉ bán hàng còn tập trung đầu tư trong nước, không đầu tư ra ngoài. Quan điểm cố hữu này khiến DN không thể phát triển đủ tầm. Sau một thời gian khảo sát, các DN phát hiện ra rằng, môi trường đầu tư ở Việt Nam rất tốt, nhân công rẻ, thuế, đất đai được nhiều ưu đãi. Việc DN đầu tư sản xuất kinh doanh ở Việt Nam còn góp phần cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.

KCN Long Giang là một trong những biểu trưng về mối quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Quốc

PV: Ông có lời khuyên gì với các DN Trung Quốc có dự định đầu tư ở Việt Nam?

Ông Yu Suo: Đầu tiên phải hiểu Luật, chính sách của Việt Nam, phải có kế hoạch qui hoạch lâu dài. Các tiêu chuẩn về xây dựng nhà xưởng, đầu tư thiết bị, môi trường của Việt Nam khá chặt chẽ. Cần phải nghiên cứu kỹ các yêu cầu về bảo vệ môi trường, các dây chuyền sản xuất phải phù hợp yêu cầu này. Các DN cần tăng cường sử dụng lao động Việt Nam, hạn chế sử dụng lao động nước ngoài. Ví dụ, ngay tại công ty của tôi, nhân viên chủ yếu là người Việt Nam. Họ rất cần cù, thông minh, đáp ứng tốt yêu cầu công việc.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường đóng góp cho phúc lợi xã hội, không chỉ quan tâm đến quyền lợi của công ty mà còn hỗ trợ đời sống của người dân trong khu vực và các vùng bị thiên tai.

PV: Ông có hài lòng với môi trường đầu tư ở Việt Nam hay không?

Ông Yu Suo: Tôi hoàn toàn hài lòng về các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư ở Việt Nam. Tôi chỉ có một kiến nghị là Chính phủ Việt Nam cần đầu tư mạnh hơn nữa vào hạ tầng giao thông, bến bãi, truyền tải điện… cho các KCN.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Diễn đàn hợp tác kinh tế Thương mại Việt Nam - Trung Quốc
Diễn đàn hợp tác kinh tế Thương mại Việt Nam - Trung Quốc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chính phủ Việt Nam coi quan hệ hợp tác kinh tế với thành phố Trùng Khánh là một bộ phận cấu thành quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung

Diễn đàn hợp tác kinh tế Thương mại Việt Nam - Trung Quốc

Diễn đàn hợp tác kinh tế Thương mại Việt Nam - Trung Quốc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chính phủ Việt Nam coi quan hệ hợp tác kinh tế với thành phố Trùng Khánh là một bộ phận cấu thành quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung

Nhập siêu từ Trung Quốc sẽ được cải thiện?
Nhập siêu từ Trung Quốc sẽ được cải thiện?

VOV.VN -Nhập siêu là một trong những vấn đề lớn trong quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc và được hai bên hết sức quan tâm.

Nhập siêu từ Trung Quốc sẽ được cải thiện?

Nhập siêu từ Trung Quốc sẽ được cải thiện?

VOV.VN -Nhập siêu là một trong những vấn đề lớn trong quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc và được hai bên hết sức quan tâm.