Nhập siêu từ Trung Quốc sẽ được cải thiện?
VOV.VN -Nhập siêu là một trong những vấn đề lớn trong quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc và được hai bên hết sức quan tâm.
Theo các chuyên gia, quan hệ thương mại Việt-Trung được chia làm 2 giai đoạn: Từ lúc hai nước bình thường hóa (năm 1991) đến năm 2000. Trong giai đoạn này kim ngạch mậu dịch hai nước từ mức 300 triệu USD tăng lên 2,9 tỷ USD. Cán cân thương mại cơ bản cân bằng và có năm ta xuất siêu ở mức nhỏ. Buôn bán chủ yếu là trao đổi qua biên giới, chiếm trên 80%. Cơ cấu hàng xuất khẩu đơn giản. Ta chủ yếu là khoáng sản, hàng nông sản, thuỷ hải sản thu gom. Nhập khẩu 90% là hàng tiêu dùng.
Từ năm 2001 đến nay, kim ngạch mậu dịch tăng lên nhanh chóng (năm 2001 là 3 tỷ USD lên 41,2 tỷ USD năm 2012), mức nhâp siêu cũng tăng lên từ 210 triệu USD lên 16,3 tỷ USD. Tuy nhiên cơ cấu hàng nhập khẩu đã có sự thay đổi cơ bản. Đến nay trên 85% giá trị hàng nhập khẩu là vật tư đầu vào cho sản xuất công nghiệp và nguyên phụ liệu cho gia công xuất khẩu.
Bà Đào Việt Hoa - Phó Lãnh sự phụ trách thương mại (Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh) trả lời phỏng vấn VOV online về phát triển kinh tế thương mại Việt Nam-Trung Quốc.
Bà Đào Việt Hoa trong cuộc trả lời phỏng vấn của VOV (ảnh Vũ Hạnh) |
PV: Thưa bà, để cân bằng cán cân xuất – nhập khẩu giữa hai nước, Việt Nam cần phải làm gì?
Bà Đào Việt Hoa: Để giải quyết cơ bản tình trạng nhập siêu chung đối với nền kinh tế của ta, Chính phủ đã sớm sửa đổi, điều chỉnh Luật Đầu tư nhằm thu hút dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tập trung các lĩnh vực sản xuất đầu vào cho công nghiệp như lọc hóa dầu, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng. Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ gia công xuất khẩu và nâng cáo giá trị hàng xuất khẩu Việt Nam. Các chính sách này đến nay đã dần phát huy tác dụng đối với việc giảm lệ thuộc vào thị trường nhập khẩu và chủ động trong điều chỉnh cơ cấu hàng xuất khẩu của ta.
Mặt khác, trong quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, hai bên đã thống nhất một loạt các biện pháp thu hẹp nhập siêu từ Trung Quốc. Phía bạn tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam mở rộng xuất khẩu vào Trung Quốc với các nhóm hàng có thế mạnh của Việt Nam như nông sản nhiệt đới, thủy hải sản…
Việt Nam khuyến khích Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam các lĩnh vực gia công, chế biến nâng giá trị hàng hóa Xuất khẩu của Việt Nam mà Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ lâu dài trên thị trường của mình và xuất khẩu sang nước thứ 3.
Việt Nam khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc xây dựng các khu công nghiệp và Khu chế xuất tại Việt Nam nhằm thu hút các ngành công nghiệp có thế mạnh của Trung Quốc sang đầu tư, sản xuất các ngành mà Việt Nam có nhu cầu và ưu đãi như phát triển công nghiệp phụ trợ, nguyện liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp và nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp gia công xuất khẩu. Trước đây là Khu chế xuất Linh Trung, nay thêm Việt-Thâm (Hải Phòng) và Long Giang (Tiền Giang).
Việt Nam cũng đã đề nghị Trung Quốc lựa chọn, tiến cử các doanh nghiệp có uy tín, thực lực tham gia danh mục các dự án liên quan đến quy hoạch 5 năm phát triển hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Trung Quốc đã được Chính phủ hai nước phê duyệt.
Hy vọng với các bước đi và biện pháp trên, thâm hụt trong cán cân thương mại hai nước nhất định sẽ dần được cải thiện trong thời gian tới.
PV: Cùng với sự hình thành và phát triển của khu vực tự do thương mại ASEAN- Trung Quốc, hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc có những điểm nổi bật gì, gặt hái được những thành quả mới nào?
Bà Đào Việt Hoa: Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Trung Quốc đã có những bước phát triển toàn diện và sâu rộng kể từ khi hình thành và phát triển Khu vực mậu dịch Trung Quốc-ASEAN.
Trước hết, tốc độ tăng trưởng kim ngạch mậu dịch luôn ổn định và ở mức cao trong bối cảnh nền kinh tế của hai nước chịu tác động tiêu cực của sự suy thoái kinh tế thế giới và khu vực. Mức tăng trung bình trên 20%, đưa Trung Quốc từ năm 2004 đến nay liên tục là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Tiềm năng kinh tế và tính bổ sung lẫn nhau đã được hai nước khai thác và phát huy cao độ, thể hiện trong cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước. Hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc là nhóm hàng nông sản nhiệt đới, thủy haỉ sản chiếm trên 75%. Nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu của Trung Quốc sang Việt Nam là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và xuất khẩu chiếm trên 80%.
Từ phương thức tăng trưởng kim ngạch mậu dịch đơn thuần thông qua trao đổi hàng hóa, hai bên đã hình thành điểm tăng trưởng mậu dịch mới. Đó là lấy đầu tư để tăng kim ngạch mậu dịch. Với việc tăng cường đầu tư vào Việt Nam và hình thành các Khu công nghiệp Long Giang và Việt- Thâm. Các doanh nghiệp có thực lực có khả năng đã góp phần thay đổi cơ cấu hàng XNK của hai bên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa, góp phần đáp ứng nhu cầu của hai nước và xuất khẩu sang nước thứ ba.
Chợ Đông Hưng (Trung Quốc) giáp Móng Cái (Việt Nam) có rất nhiều hàng Việt Nam được bày bán (ảnh V.H) |
PV: Một trong các mục tiêu quan trọng của Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN-Trung Quốc là tích cực tự do và xúc tiến thương mại hàng hoá và dịch vụ, cũng như cơ chế đầu tư thông thoáng và rõ ràng. Theo bà, trong những năm qua, mục tiêu này đã đạt được hay chưa và còn cần phải tiếp tục những gì?
Bà Đào Việt Hoa: Hiệp định khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN đã được thực thi và phát huy vai trò to lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hoá giữa Trung Quốc-ASEAN và thuận lợi hóa thương mại. Mục tiêu này bước đầu đã đạt được nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu cầu các bên tham gia Hiệp định.
Theo tôi, để Hiệp định thực sự phát huy vai trò tích cực và có hiệu quả thiết thực đối với các bên tham gia, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp nắm và thực thi và quyền lợi được hưởng trong các hiệp định thuộc khuôn khổ khu vực mậu dịch Trung Quốc-ASEAN.
Tăng cường và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương giữa công đồng doanh nghiệp Việt Nam- Trung Quốc và giữa ASEAN và Trung Quốc.
Ngoài ra, cần chủ động thiết lập mạng, trang web tuyên truyền, giới thiệu cho cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng hưởng lợi từ những ưu đãi trong các Hiệp định trong khuôn khổ khu vực mậu dịch Trung Quốc- ASEAN.
PV: Xin cảm ơn bà!/.