Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng (Bến Tre) hối hả vào Xuân
VOV.VN - Cứ mỗi độ Xuân về, Tết đến, người dân ở làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng (ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) lại nhộn nhịp hẳn lên. Nhiều hộ dân nơi đây đã “giữ lửa” cho nghề truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa và góp phần làm đẹp cho mùa Xuân.
Những ngày này, gia đình chị Nguyễn Thị Thúy cũng như các hộ dân ở làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng phải thức dậy từ 1-2 giờ sáng để bắt tay vào làm bánh tráng để phục vụ cho nhu cầu thị trường gần Tết tăng cao. Mỗi người một việc, từ đun lửa nấu bột, đổ bánh, đưa bánh ra phơi nắng… rất hối hả. Chị Nguyễn Thị Thúy cho biết, do làm thủ công khá vất vả nhưng rất vui khi cho ra những chiếc bánh tráng đẹp, vừa lòng khách hàng.
“Ngày thường tôi làm một mình, chồng đi làm thợ hồ. Ngày thường chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng, Tết thì làm gấp 2-3 lần, làm tới 30 Tết, mình có dư vài trăm nghìn, đầu ra thì Tết thuận lợi hơn, bán chạy hơn. Mình bán cho các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ. Riêng Cần thơ mua nhiều nhất”, chị Thúy chia sẻ.
Bánh tráng, bánh phồng là 2 loại không thể thiếu được trong mâm cúng gia tiên, các bửa ăn trong ngày Tết cổ truyền của người dân Nam bộ. Do đó, nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng những ngày cận Tết rất hối hả, nhộn nhịp. Ông Nguyễn Thanh Tùng, 75 tuổi ở ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh có gần 50 năm làm nghề bánh tráng. Ông cho biết, dù tuổi cao nhưng vẫn gắn bó với nghề, dù sản xuất rất ít để góp niềm vui cho ngày Tết.
"Ngày trước còn khỏe mình làm nhiều bán cho bạn hàng, bây giờ tuổi cao rồi, không còn làm nhiều nữa thì làm bánh bán cho khách quen. Họ ghé nhà mua chứ không bán cho bạn hàng, vì bạn hàng họ cần số lượng lớn, mình cung cấp không nổi. Tết mà không làm thì rất buồn, mình làm cho có vận động tay chân, trước đây làm bánh lợi nhuận có nhiều nhưng năm nay giá nguyên liệu lên cao quá nên chủ yếu lắm công làm lời", ông Tùng nói.
Nghề làm bánh tráng tại đây đã có hơn 100 năm, do tiêu thụ nội địa nên giá cả không cao. Ở thời điểm này, một chục chiếc bánh tráng chỉ giá trên 50.000 đồng nên thu nhập người làm bánh chỉ được vài trăm nghìn đồng/ngày. Trong khi đó, nguyên liệu nhất là cơm dừa hiện nay tăng gấp 2-3 lần so cùng kỳ năm ngoái nên người sản xuất bánh tráng lãi không cao.
Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng trước đây có đến gần 400 hộ dân chuyên sản xuất, nay còn chỉ hơn 60 hộ. Ông Nguyễn Thanh Huy, là hộ “gia truyền” qua nhiều thế hệ làm nghề này nay vẫn “giữ lửa” nghề của cha ông không chỉ vì lợi nhuận.
“Tôi gắn bới với nghề là do nghề truyền thống của ông bà để lại, thứ 2 đây là văn hóa ẩm thực của Bến Tre. Riêng ở huyện Giồng Trôm có 2 làng nghề: xã Mỹ Thạnh có bánh tráng, xã Hưng Nhượng có bánh phồng. Nói chung làm nghề này có cực nhưng so ra mình cũng tự làm chủ được, không giàu nhưng giúp mình đủ trang trải một phần nào đó tạo thêm thu nhập. Gần Tết khi thấy có bánh phồng, bánh tráng phơi thì thấy có không khí Tết, hào hứng lên”, ông Huy cho hay.
Do tác động của yếu tố thị trường, thời tiết cực đoan và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng có nguy cơ bị thu hẹp. Đặc biệt nghề này đa số chỉ sản xuất thủ công nên chi phí còn ở mức cao, toàn xã Mỹ Thạnh chỉ có 6 cơ sở sản xuất bánh tráng bằng phương pháp bán công nghiệp (sử dụng máy chạy bằng điện). Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất bắt buộc phải qua khâu đem bánh ra phơi nắng trời, chất lượng bánh còn phụ thuộc vào thời tiết.
Năm nay, gần Tết cổ truyền có nhiều cơn mưa trái mùa làm cho người dân làng nghề khá vất vả. Ông Ngô Tấn Quyền, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh cho biết, thời gian qua, chính quyền, đoàn thể địa phương đã tìm nhiều giải pháp, biện pháp hỗ trợ người dân duy trì nghề làm bánh tráng. Sản phẩm này đã được công nhận OCOP 3 sao. Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia rồi, đối với xã cố gắng, quyết tâm giữ vững, duy trì làn nghề. Tuy có lúc có thăng, có trầm nhưng với xã rất quyết tâm, tìm mọi cách, liên hệ với các ngành có liên quan để giúp làng nghề luôn ổn định.
Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc- 2 loại đặc sản khá nổi tiếng ở xứ dừa bao đời nay. Những ngày Xuân về, Tết đến với những chiếc bánh tráng thơm giòn, ngon miệng, mọi người chúng ta đều nghĩ đến bày tay khéo léo, tần tảo, chịu thương, chịu khó của người dân làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Người dân nơi đây đã gắn bó với nghề như là trách nhiệm phải tiếp nối và tuyền lửa cho thế hệ mai sau, làm ra những chiếc bánh thơm ngon góp phần làm đẹp cho mùa Xuân, cho đời.