Làng nghề Bình Dương nhanh nhạy chuyển đổi để thích ứng với thị trường

VOV.VN - Cùng với sự hỗ trợ của địa phương, các cơ sở sản xuất ở Bình Dương đã chủ động, nhạy bén chuyển hướng và bắt nhịp với xu thế để đón nhận những cơ hội phát triển mới.

Để gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất ở Bình Dương đã nhạy bén chuyển hướng, bắt nhịp với xu thế, thay đổi mẫu mã, áp dụng công nghệ, chuyển đổi số…Tất cả để đón nhận những cơ hội phát triển mới, phù hợp với thị trường đa dạng trong và ngoài nước. Song song đó, tỉnh Bình Dương cũng có những cách làm “trợ lực” để người yêu nghề tiếp tục giữ nghề.

Thay đổi để thích ứng 

Hai năm gần đây, không khí sản xuất tại các cơ sở sản xuất gốm sứ ở Bình Dương không còn nhộn nhịp, tấp nập như trước. Sự ảm đạm đó do ảnh hưởng của Covid-19, tình hình thế giới nên khan hiếm đơn hàng xuất khẩu và cả do thị hiếu tiêu dùng cũng có thay đổi. Từ đó đòi hỏi những người yêu nghề phải linh hoạt tìm hiểu nhu cầu thị trường trong nước và các nước để thay đổi mẫu mã cho phù hợp với thị hiếu.

Bên cạnh đó, để tăng sức cạnh tranh, các cơ sở gốm sứ đã đầu tư sản xuất theo hướng bán tự động hoặc tự động hóa toàn bộ theo công nghệ 4.0. Điển hình cho quá trình đầu tư đổi mới công nghệ trong ngành gốm sứ ở Bình Dương là các công ty gốm sứ Minh Long 1, Cường Phát, Phước Vũ Long…

Ông Lý Ngọc Bạch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Cường Phát, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương chia sẻ, gốm sứ Bình Dương đang từng bước xây dựng được thương hiệu và được khách hàng trong nước, quốc tế yêu thích nên tập trung sản xuất hàng xuất khẩu. Hai năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, chiến tranh, đơn hàng xuất khẩu ít đi nên các cơ sở tập trung cho thị trường nội địa bằng cách thay đổi lại mẫu mã, men màu phù hợp, chứ không phải "nằm chờ thời".

“Trước đó, DN đã làm khuôn, màu men hàng nội địa nên bây giờ đẩy mạnh làm ra. DN hy vọng Tết năm nay thị trường nội địa sẽ bán được mạnh khi nhà hàng, cửa hàng, quán ăn dùng nhiều”, ông Bạch cho biết.

Với việc đa dạng các phương thức giới thiệu sản phẩm từ trực tiếp đến trực tuyến trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử, 2 năm nay, các sản phẩm của Công ty TNHH mây tre lá Thành Lộc, ở phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương vẫn có mức tiêu thụ cao. Đó là một sự chuyển đổi của DN trước tác động của tình hình dịch bệnh, xung đột quân sự.

Ông Nguyễn Thành Lập, Phó Giám đốc Công ty TNHH mây tre lá Thành Lộc cho biết, hiện nay, giá cả, mẫu mã, chất lượng… đều được công ty tư vấn cụ thể qua hình thức bán hàng trực tuyến. May mắn là khách hàng đã ủng hộ và chấp nhận mua hàng trước những thay đổi của công ty.

“Lượng hàng bán trên các trang mạng điện tử khá ổn định. Hoạt động xuất khẩu cho Australia, Nhật Bản và một số nước châu Âu thường thông qua các nhà thương mại. Thế giới có chiến tranh nhưng một số nước vẫn mua vì hàng của DN thân thiện với môi trường nên người dân châu Âu rất thích. Sản phẩm họ dùng 1 năm xong bỏ và dùng đồ mới nên sản lượng xuất khẩu vẫn liên tục được duy trì”, ông Lập cho biết.

Cũng như đan lát, gốm sứ, những nghề truyền thống khác ở Bình Dương như sơn mài, heo đất, chạm khắc, guốc gỗ, điêu khắc… để tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng, rất nhiều nghệ nhân và DN sản xuất đã linh hoạt tìm lối đi cho những sản phẩm của mình. Các làng nghề đã thay đổi phương thức, từng bước đi vào áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số từ quản lý điều hành đến hoạt động sản xuất, đặc biệt là hoạt động bán hàng, kinh doanh...

"Trợ lực" để người yêu nghề giữ nghề

Ngoài sự nỗ lực của những người yêu nghề quyết tâm thay đổi để giữ nghề, chính quyền Bình Dương cũng có những cách làm để bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống. Đối với các nghề có nguy cơ gây ô nhiễm như gốm sứ, heo đất… đang nằm đan xen trong các khu dân cư, địa phương lên kế hoạch xây dựng các khu riêng biệt để vừa phát triển, vừa giải "bài toán" ô nhiễm môi trường. Những cơ sở sản xuất khó khăn được hỗ trợ vay vốn sản xuất để tiếp tục duy trì làng nghề. Bình Dương cũng đã chú trọng đào tạo lao động cung ứng cho các làng nghề. 

Riêng đối với nghề sơn mài, Bình Dương lập hồ sơ và đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2016. Sau đó, Bình Dương xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch, thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một” với việc hình thành làng nghề rộng hơn 54.000m2 để các cơ sở có nơi tập trung sản xuất. 

Nghệ nhân Đinh Công Thiệu (52 tuổi) chia sẻ, trước những “sóng gió” của làng nghề, tất cả mong muốn chính quyền địa phương nhanh chóng xây dựng làng nghề. “Mong muốn của nhiều cơ sở sản xuất là được di dời vào trong làng nghề tập trung. Hiện nay, tỉnh đang kết nối các tuyến du lịch, khi khách du lịch đến làng nghề họ chọn mua sản phẩm nhiều, hy vọng nghề sơn mài sẽ phát triển hơn”, Nghệ nhân Đinh Công Thiệu tin tưởng.

Một trong những giải pháp của Bình Dương để lưu giữ, phát triển bền vững làng nghề truyền thống là gắn kết với du lịch. Đây được xem là bước đi đúng đắn, không chỉ mở rộng thị trường, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy việc phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cho biết, Sở đã giao cho Trung tâm Xúc tiến và Du lịch có những chương trình quảng bá cho du khách biết đến các làng nghề. Trong năm 2022, Trung tâm này đã tổ chức nhiều chuyến tham quan, trong đó có kết nối, giới thiệu làng nghề. Các công ty du lịch cũng đã tổ chức nhiều tour, tuyến đưa khách đến các làng nghề truyền thống của Bình Dương tham quan, mua sắm:

“Sở cũng đề nghị Sở NN&PTNT nếu đủ điều kiện công nhận OCOP cho các sản phẩm của làng nghề; đồng thời cùng nhau quảng bá tại các hội chợ, trên các trang web liên quan du lịch. Hy vọng các sản phẩm nghề truyền thống của Bình Dương được giới thiệu rộng rãi đến với người dân, du khách trong và ngoài tỉnh”, ông Phong cho biết.

Với sự chủ động chuyển đổi để thích ứng cùng những giải pháp trợ lực, tin rằng 32 làng nghề với 9 nghề truyền thống ở Bình Dương sẽ được bảo tồn, phát triển. Việc làm này không chỉ lưu giữ giá trị văn hóa mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Làng nghề truyền thống làm đèn ông sao tất bật trước Tết Trung thu
Làng nghề truyền thống làm đèn ông sao tất bật trước Tết Trung thu

VOV.VN - Tết Trung thu đang cận kề cũng là thời điểm làng nghề truyền thống làm đèn ông sao Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) thêm nhộn nhịp, tất bật.

Làng nghề truyền thống làm đèn ông sao tất bật trước Tết Trung thu

Làng nghề truyền thống làm đèn ông sao tất bật trước Tết Trung thu

VOV.VN - Tết Trung thu đang cận kề cũng là thời điểm làng nghề truyền thống làm đèn ông sao Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) thêm nhộn nhịp, tất bật.

Giữ lửa làng nghề truyền thống làm đèn ông sao Báo Đáp
Giữ lửa làng nghề truyền thống làm đèn ông sao Báo Đáp

VOV.VN - Trải qua bao thăng trầm, sự cạnh tranh khốc liệt nhưng làng nghề làm đèn ông sao Báo Đáp không bị mai một mà ngày càng phát triển. Sản phẩm đèn ông sao làng Báo Đáp luôn là lựa chọn hàng đầu của các gia đình cho con em mình trong dịp tết Trung thu.

Giữ lửa làng nghề truyền thống làm đèn ông sao Báo Đáp

Giữ lửa làng nghề truyền thống làm đèn ông sao Báo Đáp

VOV.VN - Trải qua bao thăng trầm, sự cạnh tranh khốc liệt nhưng làng nghề làm đèn ông sao Báo Đáp không bị mai một mà ngày càng phát triển. Sản phẩm đèn ông sao làng Báo Đáp luôn là lựa chọn hàng đầu của các gia đình cho con em mình trong dịp tết Trung thu.

“Thức tỉnh” làng nghề truyền thống Bình Dương
“Thức tỉnh” làng nghề truyền thống Bình Dương

VOV.VN - Sản phẩm từ nghề truyền thống chịu sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, dẫn đến nguy cơ mai một.

“Thức tỉnh” làng nghề truyền thống Bình Dương

“Thức tỉnh” làng nghề truyền thống Bình Dương

VOV.VN - Sản phẩm từ nghề truyền thống chịu sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, dẫn đến nguy cơ mai một.

Người Cơ Tu khôi phục làng nghề truyền thống đan lát
Người Cơ Tu khôi phục làng nghề truyền thống đan lát

VOV.VN - Trong những nghề truyền thống có từ lâu đời, nghề đan lát thể hiện sự cần mẫn, đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người Cơ Tu.

Người Cơ Tu khôi phục làng nghề truyền thống đan lát

Người Cơ Tu khôi phục làng nghề truyền thống đan lát

VOV.VN - Trong những nghề truyền thống có từ lâu đời, nghề đan lát thể hiện sự cần mẫn, đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người Cơ Tu.