Lanh của người Mông Lùng Tám vươn ra thế giới
VOV.VN - Trồng lanh, dệt vải không chỉ giúp bảo tồn nghề truyền thống, mà còn mang lại nguồn thu nhập cho phụ nữ người Mông, chắp cánh cho sản phẩm vươn xa.
Nghề trồng lanh, dệt vải là nghề truyền thống gắn bó mật thiết với đồng bào Mông ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Xuất phát từ điều đó, hợp tác xã (HTX) lanh Lùng Tám được thành lập và đi vào hoạt động không chỉ góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của đồng bào Mông, mà còn mang lại nguồn thu nhập cho chị em phụ nữ, chắp cánh cho sản phẩm vươn xa.
Vải lanh có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống xã hội và đời sống tâm linh của người Mông. Ông cha kể rằng nếu khi chết đi, người Mông mà không được mặc quần áo lanh thì sẽ không thể về gặp được tổ tiên. Người Mông quan niệm rằng “phụ nữ người Mông mà không biết làm lanh, dệt vải, thêu thùa văn hoa trên nền vải lanh thì đó không phải là phụ nữ người Mông”.
Chính vì vậy, các cô gái Mông ở Lùng Tám ngay từ nhỏ đã được các bà, các mẹ dạy làm lanh, dệt lanh, thêu thùa để phục vụ cho chính mình và gia đình. Thế nhưng, đã có một thời gian dài nghề trồng lanh, dệt vải lanh gần như đã bị mai một trong vùng đồng bào Mông Lùng Tám do tác động bởi cơ chế thị trường, giao thoa văn hoá.
Một công đoạn sản xuất vải lanh truyền thống ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang (Ảnh minh họa: KT) |
Nhằm khôi phục và phát triển nghề truyền thống trồng lanh, dệt vải của dân tộc mình, trong những năm 1999, 2000, 2001, bà Vàng Thị Mai, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã lúc bấy giờ đã tập hợp các nghệ nhân biết làm lanh và thành lập HTX Lanh Lùng Tám.
“Là một người phụ nữ Mông, ai cũng biết cách trồng lanh dệt vải để làm váy áo, quần áo, giày, chăn, nệm... Sau này xã hội phát triển hơn, nghề làm lanh dần bị lãng quên. Có một lần tôi may mắn gặp được bà cụ đã 130 tuổi. Cùng bà nói chuyện bà đã khuyên tôi tiếp tục gìn giữ nghề truyền thống này. Tôi đã tập hợp một số chị em trong thôn biết dệt vải lanh đến làm thử trong một năm. Chúng tôi đã mời bà cụ đến dạy tuy làm được ít sản phẩm xong bán ra thì rất được giá, cao hơn nhiều so với làm nương rẫy, chăn nuôi”, bà Vàng Thị Mai chia sẻ.
Mới đầu HTX chỉ có 6 người tham gia. Những năm sau đó, nguồn thu từ bán sản phẩm vải lanh cao hơn, HTX đã thu hút được ngày càng nhiều chị em tham gia, giúp chị em ngoài việc đi nương làm rẫy còn có thêm nghề phụ, có thêm thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho gia đình.
Bà Mùa Thị Thào, hội viện HTX lanh Lùng Tám cho biết, mỗi hội viên làm ở HTX 20 ngày công được lương 3 triệu đồng/tháng: “Ở nhà tôi cũng dệt được nhiều vải lanh. Tôi tham gia HTX cũng có thêm thu nhập lo cho gia đình. Trong các phong tục của người dân tộc Mông thì vải lanh là thứ không thể thiếu trong đời sống hàng ngày”.
Hơn mười năm khôi phục, bảo tồn, đến nay, HTX Lùng Tám đã có 130 thành viên. Ngoài dệt vải lanh, HTX đã làm thêm nhiều sản phẩm thêu, vẽ sáp ong trên nền vải lanh, làm ra nhiều sản phẩm hơn như: túi xách, túi đựng điện thoại, vỏ ga, gối xe, máy bay... Góp phần ổn định nguyên liệu sản xuất, mỗi năm HTX vận động xã viên trồng trên 5 hecta cây lanh.
Những năm gần đây, sản phẩm lanh của HTX đã bắt đầu có thương hiệu được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, tiêu dùng. Tổng thu nhập của sản phẩm lanh bán ra được gần 2 tỷ đồng/năm. Sản phẩm lanh Lùng Tám đã được giới thiệu đi tham gia các hội chợ trong và ngoài nước, nhận được nhiều giải thưởng lớn, trong đó có giải thưởng cao nhất là giải KOVA do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng năm 2014; được khách hàng nhiều nước trên thế giới biết đến như: Pháp, Mỹ, Nga, Canada, Thụy Sỹ...
Năm 2018, đã có hai bạn trẻ học tại Trường đại học Newzealand đến thăm quan HTX lanh Lùng Tám, sau khi tìm hiểu và được trải nghiệm 40 công đoạn để làm ra một sản phẩm truyền thống các bạn đã rất khâm phục và tự nguyện ở lại một tháng để dạy tiếng Anh cho các cháu nhỏ ở đây. Hiện đã có rất nhiều cháu có thể nói thành thạo tiếng Anh bán hàng cho khách nước ngoài. Nhiều trẻ mồ côi, chị em phụ nữ nghèo có nhu cầu học đều được giúp dạy nghề miễn phí.
“Xã cũng đang định hướng hỗ trợ, giúp HTX lanh tổ chức đánh giá, thẩm định vào chương trình OCOP mà xã đã đặt vào đó là một sản phẩm của xã, phải có thương hiệu và nhãn mác chi xuất nguồn gốc. Đấy là tương lai gần HTX phải đạt được để tránh khi xuất hàng ra thị trường không bị nhầm lẫn với hàng nhái, hàng giả. Trong quá trình giao thương sẽ bảo vệ được thương hiệu lâu dài”, ông Lý Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang cho biết./.
Làng nghề bột gạo hồi sinh nhờ khoa học công nghệ
Nông dân Nghệ An trồng rau gia vị “1 vốn 4 lời“