"Lãnh đạo địa phương cam kết tạo mọi điều kiện nhưng ông ở trạm lại gây khó dễ"
VOV.VN - Các lãnh đạo tỉnh thì cam kết tạo mọi điều kiện nhưng các ông đứng ở trạm, ở xã, huyện lại không như vậy. Kể cả ông đứng trạm kia cũng có quyền làm khó làm dễ người khác.
“Các tỉnh cũng phát biểu với chính phủ và Bộ NN-PTNT là chúng tôi tạo hết mọi điều kiện (cho người dân, doanh nghiệp) nhưng không hẳn là như vậy. Bởi các đồng chí ở tỉnh thì cam kết vậy nhưng các ông đứng ở trạm, ở xã, huyện lại không như vậy” – Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nêu thực tế trong việc sản xuất, lưu thông hàng hoá hiện nay tại cuộc họp trực tuyến về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL diễn ra sáng 7/8.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết thêm: “Tôi ở ngoài này mà nhiều khi người ta gửi tôi những đoạn clip xe bị dồn ứ như thế nào. Thường thì người Việt Nam có một tí quyền là khó khăn rồi. Kể cả ông đứng trạm kia cũng có quyền làm khó làm dễ người khác. Không phải là mình không tin anh em mà trong đó có những người không hiểu hết, bởi ở tầm tỉnh, bộ thì anh em hiểu được, còn ở cục bộ một vài anh em cứ nghĩ sao giữ an toàn cho trạm mình thôi, chưa kể là có một tí gì đó còn sinh ra thái độ khác”.
Đây là câu chuyện đang xảy ra ở rất nhiều nơi, nên Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các tỉnh thường xuyên trao đổi với nhau để cùng tháo gỡ. Bộ trưởng dẫn lời Thủ tướng chỉ đạo từ 2 tháng trước là “Không ngăn sông cấm chợ” đến nay vẫn còn tình trạng khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hoá. Vấn đề nằm ở dưới xã, huyện, từng cung đường mà thương lái họ không biết bám vào đâu. Đây là những vấn đề liên ngành chứ không thể khoán trắng cho ngành nông nghiệp vì còn liên quan đến công an, cảnh sát giao thông, y tế… Mỗi người có một trách nhiệm nên hiểu một cách khác nhau thành ra mình không trách anh em mà phải làm sao cho thông suốt, thống nhất.
DN cam kết chặn đà giảm giá lúa
Trong lúc khó khăn về thu mua lúa cho bà con, ông Nguyễn Duy Thuận – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lộc Trời cho biết, công ty cam kết chặn đà giảm giá của lúa tươi trên đồng ruộng, thu mua lúa tươi cho 2 giống lúa trồng nhiều nhất ở Đồng bằng sông Cửu long là giống lúa OM 5451: giá sàn là 4800 đồng/kg lúa tươi (gạo trắng); giống lúa OM 18: giá sàn là 5500 đồng/kg lúa tươi (gạo thơm)
Đồng thời, Lộc Trời cũng cam kết không tăng giá vật tư nông nghiệp do LTG sản xuất trong năm 2021; Cấp tín dụng cho các Liên hiệp HTX và các HTX có đăng ký với Lộc trời, thông qua vật tư nông nghiệp, không tính lãi suất cho đến hết vụ.
Đặc biệt, lãnh đạo doanh nghiệp này cam kết: “Tài trợ kit test nhanh covid cho các hoạt động thu mua lúa và vận chuyển lúa ở một số tỉnh trọng điểm (Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang). Xét nghiệm định kỳ cho toàn bộ nhân viên LTG, đặc biệt đội ngũ mua lúa và vận chuyển. Xây dựng qui trình mua lúa không tiếp xúc dựa trên các thông tin chính xác của địa phương, giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Đảm bảo số lượng và chất lượng lúa gạo đối với các công ty xuất khẩu và nội địa theo tiến độ giao hàng. Hiện nay LTG đang nhận yêu cầu cung cấp 600 ngàn tấn lúa trong 4 tháng tới”.
Để việc thu mua, lưu thông lúa gạo vùng ĐBSCL được thuận lợi trong điều kiện thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, lãnh đạo Lộc Trời kiến nghị xây dựng luồng xanh cho vận chuyển đường thuỷ nội địa, chủ yếu là ghe vận chuyển lúa. Phổ biến phương pháp mua lúa không tiếp xúc. Hỗ trợ dòng tiền vay mua lúa xuất khẩu, LTG sẽ vay các ngân hàng Thương mại và cần được ngân hàng nhà nước hướng dẫn cho vay mua lúa được thế chấp bằng lúa và gạo. Hỗ trợ lãi suất cho dòng tiền mua lúa mới để chuẩn bị xuất khẩu cho 4 tháng cuối năm.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các bước Lộc Trời đang tiến hành chính là việc DN đang chia sẻ với bà con nông dân trong lúc khó khăn. Thương lái mua giá thấp, vì có một nguyên nhân là phải bỏ nhiều chi phí. Vậy chi phí đó DN chịu được không thì giúp cho thương lái. Giống như Lộc Trời, mình hỗ trợ thương lái chính là hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân. Các DN chủ động hơn để gỡ cho mình, gỡ cho mình cũng chính là gỡ cho địa phương. Đây cũng là cơ hội để xây dựng thương hiệu DN.
Các vấn đề mà địa phương, doanh nghiệp thu mua lúa gạo đang gặp phải có lẽ sẽ tiếp tục được bàn thảo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sxkd trong bối cảnh đại dịch covid 19 diễn ra hôm nay (8/8). Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tinh thần của lần trước DN nào khó khăn thì hỗ trợ, nhưng lần này, DN nào cũng khó khăn hết rồi nên DN nào cũng được hỗ trợ.
“Bởi vì đã nói khó khăn thì phải thẩm định có khó khăn không, thẩm định tới mức độ người ta chết rồi cũng không đủ tiêu chí” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói./.