Lào Cai ưu tiên 2 lĩnh vực đột phá là kết cấu hạ tầng và du lịch, dịch vụ
VOV.VN - Tỉnh Lào Cai sẽ ưu tiên cho 2 lĩnh vực đột phá là phát triển kết cấu hạ tầng và du lịch, dịch vụ. Về kết cấu hạ tầng, Lào Cai phấn đấu đồng bộ tất cả các loại hình giao thông.
Qua 3 năm đầu bứt phá mạnh mẽ, 2 năm cuối của nhiệm kỳ, dù phải nỗ lực gồng gánh trước hàng loạt khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, suy thoái kinh tế thế giới... song đến giờ phút này, có thể khẳng định, Lào Cai đã đạt được những thành tựu vượt bậc trên tất cả các phương diện.
Trong số 25 mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai, nhiệm kì 2015 – 2020 đặt ra, có tới 23 mục tiêu hoàn thành đạt và vượt. Giai đoạn 5 năm đó, Lào Cai luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên dưới 10%; GRDP bình quân đạt trên 76 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 34% năm 2016 xuống còn chưa đến 9% năm 2020.
Trên cơ sở các thế mạnh, tiềm năng dồi dào từ tài nguyên khoáng sản, du lịch, cửa khẩu, Lào Cai tiếp tục tích cực chuyển dịch cán cân kinh tế, với gần 90% tỷ trọng tập trung phát triển công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ. Trong điều kiện ngân sách nhà nước eo hẹp, Lào Cai vẫn tranh thủ huy động được một nguồn lực khổng lồ, với trên 170.000 tỷ đồng tổng đầu tư cho toàn xã hội trên địa bàn...
Các con số trên dù không biết nói, nhưng qua đó khẳng định một điều rằng, Lào Cai đã gây dựng được nền kinh tế vững vàng trong một tổng thể hài hòa.
Theo ông Phan Trung Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai, nguồn lực thu hút về giúp tăng cường nội lực, “sức đề kháng” cho Lào Cai phát triển vững chắc. Ngay cả trong năm 2020, dù ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Lào Cai giảm xuống chỉ còn 6,31%, nhưng vẫn thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vùng và cả nước.
“Trong giai đoạn tới, Lào Cai vẫn xác định thu hút đầu tư là một khâu hết sức quan trọng. Tỉnh sẽ tập trung vào cải cách thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi về thuế, về đất, về giải phóng mặt bằng…nhằm thu hút các nhà đầu tư bền vững” - ông Bá nói.
Hiện, Lào Cai đã có khoảng 4.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ đăng kí hoạt động. Tỉnh cũng đã, đang bắt tay với hàng loạt nhà đầu tư chiến lược như Sungroup, Bitexco, Alphanam, Geleximco, Vingroup, T&T, TH…, đi đến kí kết, triển khai nhiều thỏa thuận “triệu đô” theo phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”.
Ông Ngô Đức Ảnh, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lào Cai cho rằng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng là mở ra cơ hội quan trọng để nuôi dưỡng nguồn thu vào ngân sách nhà nước, góp phần giải quyết căn bản nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI của tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 55% so với giai đoạn trước, tức sẽ cán mốc 15.500 tỷ đồng, trong đó 60% từ tiền thuế và phí. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 cân đối giữa thu với chi thường xuyên và đến năm 2030 có thể tự chủ tài chính” - ông Ảnh cho biết.
Theo ông Trịnh Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, trong giai đoạn tiếp theo, Lào Cai vẫn tiếp tục kế thừa các thành quả và định hướng từ giai đoạn trước để mỗi bước đi thêm “bền”, thêm “chắc”.
Trong đó, tỉnh sẽ ưu tiên cho 2 lĩnh vực đột phá là phát triển kết cấu hạ tầng và du lịch, dịch vụ. Về kết cấu hạ tầng, Lào Cai phấn đấu đồng bộ tất cả các loại hình giao thông, từ đường bộ đến đường không; tập trung kết nối chặt chẽ 16 tuyến tỉnh lộ để đảm bảo tính liên kết; tiếp tục mở rộng mạng lưới đô thị lên trên 30% đi đôi với nâng cao chất lượng đô thị; quyết tâm quy hoạch bài bản nông thôn, phấn đấu 1.200 thôn, bản trong toàn tỉnh phải có quy hoạch.
Về du lịch, dịch vụ, Lào Cai sẽ tập trung tối đa cho Khu du lịch Quốc gia Sa Pa, sau đó đến “ngôi sao” mới nổi là Y Tý (Bát Xát) và tăng cường, củng cố cho cao nguyên Bắc Hà; đẩy mạnh phát triển Khu Kinh tế Cửa khẩu vừa được quy hoạch chi tiết; tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế đối ngoại của Việt Nam và ASEAN với vùng tây nam của Trung Quốc.
Ngoài ra, các lĩnh vực trọng tâm như xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đảm bảo an ninh, quốc phòng; phát triển nguồn nhân lực, phát huy giá trị văn hóa – con người; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường… cũng sẽ được chú trọng. Hiện nay, tất cả các lĩnh vực đã được cụ thể hóa bằng 18 Đề án, với 60 chỉ tiêu hoàn toàn mới so với nhiệm kì trước để triển khai ngay sau khi Nghị quyết Đại hội được thông qua.
“Lào Cai nằm trong khu vực Tây Bắc, có vị trí địa chính trị hết sức quan trọng. Trước yêu cầu rất cao của giai đoạn tiếp theo, chúng tôi cũng xác định ngay trong giai đoạn đầu của nhiệm kì tới, 18 Đề án với rất nhiều mục tiêu đề ra phải được thực hiện đồng bộ, nhận được sự đồng thuận cao và tạo ra bứt phá ngay từ đầu, tin rằng Lào Cai sẽ đạt kết quả tốt” - ông Trường chia sẻ.
Sau gần 30 năm tái lập, qua 5 kì Đại hội Đảng bộ tỉnh, một Lào Cai tràn đầy sức trẻ đã và đang tiếp tục vươn cao; xứng đáng là tỉnh phát triển của khu vực trung du, miền núi phía Bắc; sẵn sàng tâm thế cho kì Đại hội mới thành công.
Hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Lào Cai cũng đề ra những mục tiêu chiến lược, dài hơi, phấn đấu đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Lào Cai lọt vào danh sách những tỉnh phát triển trong toàn quốc./.