Lắp bể chứa xăng dầu theo công nghệ mới, có khả thi?
VOV.VN - Dự án lắp đặt bể chứa xăng dầu 2 lớp có trị giá khoảng 100 triệu Yên, nằm trong khuôn khổ vốn ODA không hoàn lại của Nhật Bản dành cho Việt Nam.
Hôm nay (28/8), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Công ty Tamada và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thí điểm lắp đặt bể chứa xăng dầu 2 lớp tại huyện Đông Anh, Hà Nội.
Với công nghệ mới lần đầu tiên được ứng dụng tại Việt Nam, loại bể này được cho là có thể phòng tránh rò rỉ chất nguy hại, bảo đảm môi trường và phòng chống cháy nổ tốt hơn so với công nghệ cũ.
Tuy nhiên, để ứng dụng rộng rãi trên khắp cả nước còn gặp nhiều khó khăn. Bởi chỉ tính riêng Petrolimex đang có tới khoảng 2.000 cửa hàng xăng dùng sử dụng bể chứa cũ, khó có thể thay thế cùng một lúc.
Dự án lắp đặt bể chứa xăng dầu 2 lớp có trị giá khoảng 100 triệu Yên, nằm trong khuôn khổ vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam. Công ty Tamada là đơn vị chuyển giao công nghệ cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản.
Ông Masuda Chikahiro, Phó Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên lắp đặt bể chứa 2 lớp theo công nghệ Nhật Bản. Thời gian tới, JICA sẽ hỗ trợ lắp đặt thí điểm một bể chứa tương tự tại thành phố Hồ Chí Minh.
Thực tế, bể chứa xăng, dầu tại cửa hàng kinh doanh đã được quy định rõ trong Thông tư số 11 của Bộ Công thương về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng, dầu. Tuy nhiên, thời gian qua, Việt Nam chủ yếu sử dụng loại bể 1 lớp bằng thép bọc nhựa đường. Mặc dù chi phí sản xuất thấp hơn, song độ an toàn chưa cao.
Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an cho biết: thông thường, bể chứa xăng dầu chôn dưới long đất từ 20-30 năm, mặc dù có lớp chống rỉ sét, nhưng do xâm thực của nguồn nước, điều kiện thi công nên có những trường hợp xảy ra sự cố rò rỉ. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng từng phát hiện bể chứa xăng dầu rò rỉ, hàng chục mét khối xăng dầu ngấm vào lòng đất, nguồn nước nên rất nguy hiểm.
Đại tá Đoàn Hữu Thắng cho rằng: “Đây là công nghệ tiên tiến được áp dụng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt ở Nhật Bản, đưa thành quy chuẩn các cửa hàng xăng dầu bắt buộc. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần triển khai sớm để bảo vệ môi trường đất, nước…quan trọng nữa là an toàn về phòng cháy chữa cháy. Nếu lắp đặt được ở các cửa hàng xăng dầu và đặc biệt là ở trong nội thành, khu đông dân cư thì sẽ đảm bảo môi trường và an toàn cao hơn. Nhà nước cần xây dựng quy chuẩn, từ khuyến khích thành bắt buộc. Trong thời gian tới, cơ quan phòng cháy chữa cháy phối hợp với các cơ quan liên quan sẽ sớm đưa loại bể này lắp đặt tại Việt Nam một cách rộng rãi”.
Hiện, cả nước có khoảng 4.000 tổng đại lý xăng dầu với trên 13.000 cửa hàng bán lẻ. Trong số này, khoảng 3.000 cửa hàng là thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối, còn trên 10.000 cửa hàng là do tư nhân đầu tư.
Mỗi cửa hàng đều có bể chứa ngầm hàng chục mét khối xăng dầu có khả năng gây nguy hại cho môi trường và an toàn cháy nổ, nhất là ở thành phố lớn, khu đông dân cư.
Theo ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, ứng dụng công nghệ của Nhật Bản có thể giúp kiểm soát được rò rỉ xăng dầu để không ô nhiễm môi trường và giảm thiểu thấp nhất khả năng cháy nổ. Tuy nhiên, để triển khai rộng rãi còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện, chỉ tính riêng Petrolimex có hơn 2.000 cửa hàng đang sử dụng công nghệ cũ, muốn thay đổi thì cần có lộ trình cụ thể: “Để ứng dụng rộng rãi, Nhà nước cần có quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về sử dụng bể 2 lớp này. Về kinh phí đầu tư, bể 2 lớp chi phí lớn hơn nhiều, giá trị đầu tư cao hơn rất nhiều. Hiện nay có hàng nghìn bể đang chôn ở dưới đất đều là bể 1 lớp, không dễ dàng thay thế tất cả bằng bể 2 lớp. Nên cần có lộ trình cụ thể. Qua thử nghiệm lần này, Petrolimex sẽ đánh giá tổng thể toàn bộ công nghệ sản xuất, chi phí…rồi cùng với sự hoàn thiện các quy định của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sẽ có lộ trình dần dần, trước mắt lắp đặt tại các cửa hàng xây dựng mới hoặc cửa hàng cải tạo lại”.
Đại diện JICA và Công ty Tamda cho biết, sau dự án mang tính thử nghiệm này, sẽ hỗ trợ chuyển giao công nghệ máy móc cho Việt Nam để Việt Nam có thể tự sản xuất loại bể ngầm tiên tiến này.
Để ứng dụng rộng rãi trên khắp cả nước sẽ cần lộ trình cụ thể từ việc ban hành quy chuẩn, đến hỗ trợ đầu tư lắp đặt, để không chỉ bảo vệ môi trường mà còn giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân xung quanh các cây xăng./.