Lệnh trừng phạt với Nga sẽ gây hiệu ứng ngược?

VOV.VN - Việc áp đặt các lệnh trừng phạt với toàn bộ kinh tế Nga sẽ khiến châu Âu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ euro.

Thông qua việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga, Liên minh châu Âu muốn tạo sức ép lên quốc gia này. Tuy nhiên, trên thực tế, Nga lại có thể hưởng lợi từ những hạn chế từ Liên minh châu Âu (EU) như ngăn chặn dòng chảy của vốn, tổ chức lại hệ thống tài chính và kích thích sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu.

Trợ lý Tổng thống Nga Sergei Glazyev (Ảnh: Ria Novosti)

“Những nỗ lực nhằm hạn chế hoạt động thương mại của Nga sẽ ảnh hưởng tới chính những nhà nhập khẩu của nước này đầu tiên, trong đó có EU. Theo ước tính của chúng tôi, việc áp đặt các lệnh trừng phạt lên toàn bộ nền kinh tế như những gì châu Âu đã làm với Iran, sẽ khiến khu vực này thiệt hại khoảng 1.000 tỷ euro (tương đương 1.360 tỷ USD). Đức và Baltic sẽ là hai quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất”, Trợ lý Tổng thống Nga Sergei Glazyev trả lời trên Ria Novosti.

Trong ngày hôm qua (28/5), lãnh đạo các nước thành viên EU đã chấp thuận tiếp tục đưa ra các lệnh trừng phạt mới đối với Nga. Ông Glazyev cho rằng, Mỹ và các nước châu Âu đang muốn tạo sức ép đối với Nga trên thị trường khí đốt quốc tế.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ đang có ý định giành lấy một phần nguồn cung khí đốt của khu vực này thay cho Nga.

Tuy nhiên, trên thực tế, nền kinh tế Nga dường như sẽ hưởng lợi từ những lệnh trừng phạt tăng cường này.

“Nga là một nhà tài trợ của nền kinh tế thế giới. Trung bình mỗi năm, khoảng 100 tỷ USD từ hệ thống tài chính Nga sẽ chảy vào hệ thống tài chính quốc tế. Nếu các lệnh trừng phạt mới được áp đặt, vốn đầu tư từ Nga sẽ giảm xuống đáng kể”, ông Glazyev cho biết; đồng thời thêm rằng những nỗ lực đóng băng tài sản của Nga ở nước ngoài sẽ kích thích các doanh nhân giữ nhiều tiền hơn trong nước.

Trước đó, Nga đã phải đối mặt với tình trạng các nhà đầu tư liên tục rút vốn khỏi thị trường nước này kể từ đầu năm nay, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang. Gần 50 tỷ USD đã chảy khỏi Nga trong quý I năm nay, và dự đoán con số này sẽ lên tới 90 tỷ USD vào cuối năm.

Ông Glazyev nhấn mạnh, những biện pháp trừng phạt vào hệ thống tài chính, như ra lệnh cấm hai công ty tín dụng Visa và MasterCard của Mỹ dừng thanh toán hoạt động giao dịch tại một số ngân hàng và cá nhân của Nga, đang tác động tích cực tới nền kinh tế nước này, thông qua việc đẩy mạnh phát triển nguồn tín dụng nội bộ và xây dựng hệ thống thanh toán riêng. Điều này sẽ giúp Nga có thể tăng tính tự chủ trong hệ thống tài chính thế giới.

Bên cạnh đó, mối đe dọa lệnh trừng phạt buộc Nga phải đoàn kết và tích cực hơn trong việc phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, củng cố các dây chuyền công nghệ cần thiết cho an ninh của đất nước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước cũng cho biết, Nga đang chuẩn bị phải trải qua một cuộc cách mạng kỹ thuật, theo đó, số lượng xuất khẩu phi năng lượng cần phải tăng thêm 6% mỗi năm.

Mỹ và EU đã áp đặt hai gói biện pháp trừng phạt nhắm vào hàng chục quan chức cấp cao Nga và các công ty của nước này, sau khi Nga sáp nhập Crimea. Trước những lệnh trừng phạt, Bộ Ngoại giao Nga đã nhiều lần tuyên bố, biện pháp mà phương Tây đưa ra để gây sức ép với Nga sẽ phản tác dụng và ảnh hưởng ngược trở lại đối với nền kinh tế châu Âu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên