Liên kết trồng lúa dễ đứt gãy ở ĐBSCL – bài toán hài hòa lợi ích
VOV.VN - Câu chuyện liên kết trong sản xuất không mới, nhưng đây vẫn được xem là vấn đề “nhức nhối” trong ngành nông nghiệp nước ta. Nhìn từ liên kết sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL dễ thấy, vẫn có trường hợp một số người dân sẵn sàng “bẻ kèo” để bán với giá cao hơn, còn doanh nghiệp “xoay sở” tìm nguồn nguyên liệu để thực hiện đơn hàng.
“Bẻ kèo” vì chênh giá
Trồng lúa không phải là thế mạnh của tỉnh Cà Mau nhưng các doanh nghiệp lại rất quan tâm và rất cần vùng nguyên liệu lúa ở Cà Mau. Bởi tỉnh “Cuối trời Tổ quốc” có diện tích lúa – tôm lên đến gần 40.000 ha. Mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm năng suất không đạt cao như nông dân vùng chuyên lúa các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp vẫn làm, nhưng có ưu điểm “tự nhiên nó đã là lúa sạch”. Bởi, người canh tác hạn chế thấp nhất thuốc bảo vệ thực vật để còn môi trường tốt nhất nuôi tôm.
Cũng vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp tìm về Cà Mau liên kết, sẵn sàng cung ứng giống, phân thuốc, đến quy trình sản xuất để có lúa chất lượng tốt nhất bao tiêu. Vấn đề ở đây là mối liên kết này vẫn có khả năng bị gãy.
Bà Nguyễn Mỹ Á, Trưởng ấp Tabasa 2, xã Tân Phú, huyện Thới Bình nêu thực trạng tại địa phương: “Một số bà con đã ký hợp đồng liên kết với hợp tác xã làm mô hình liên kết. Đến thời điểm thu hoạch. Một số ít bà con chạy theo giá, cò lái bên ngoài. Trong liên kết của mình ổn định, thì cò bên ngoài bỏ giá cao hơn từ 200 đồng/kg. Bà con thấy lợi nhuận trước mắt, bỏ liên kết”.
Vùng canh tác lúa – tôm lớn nhất tỉnh Cà Mau thuộc huyện Thới Bình, tập trung nhiều tại các xã Trí Phải, Trí Lực, Tân Phú. Việc liên kết, bao tiêu sản phẩm của mô hình lúa – tôm ở các địa phương này phát triển mạnh vài năm qua. Hàng năm, đâu đó vẫn có chuyện nông dân “bẻ” liên kết bán lúa cho “cò” ở địa phương với giá cao hơn nhưng ít. Năm nay, trong khi vụ lúa Đông Xuân ở các tỉnh chuyên canh vùng trên chưa thu hoạch, giá lúa ở Cà Mau lại liên tục tăng, tình trạng gãy liên kết diễn ra nhiều hơn.
Công ty C.C (ở tỉnh Đồng Tháp) ký hợp đồng, đặt cọc 500 triệu đồng để thu mua 1.000 tấn lúa với thương lái ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình. Đến nay, hầu hết diện tích lúa – tôm ở địa phương đã thu hoạch xong nhưng lượng lúa theo hợp đồng chưa nhận được bao nhiêu, doanh nghiệp gặp khó vì có nguy cơ vỡ hợp đồng với các đối tác. Người đứng ra thu mua lúa ở địa phương cũng đứng ngồi không yên, bởi có thể phải bồi thường hợp đồng.
Nguyên nhân đến từ việc giá lúa “nhảy múa”, đặc biệt, lúa ST - người dân địa phương trồng phổ biến thời gian qua tăng liên tục. Đầu vụ 9.000 đồng/kg, sau vài ngày lên 10.000 đồng/kg, cuối vụ có nơi hơn 11.000 đồng/kg. Chênh lệch gần 4.000 đồng/kg so với năm ngoái và nhiều người dân không bán lúa theo cam kết.
Doanh nghiệp “ngậm bồ hòn làm mật”
Thực trạng người dân “bẻ” liên kết chạy theo lợi nhuận không phải chuyện “một sáng một chiều” mà đã diễn ra nhiều năm với những mức độ khác nhau, không chỉ ở Cà Mau mà đâu đâu cũng có.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Thương mại Phước Thành 4 (ở tỉnh Vĩnh Long), liên kết giữa người dân và doanh nghiệp thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập. Người dân thấy giá lúa cao sẵn sàng “bẻ kèo” với doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp khó khăn trong việc giao đơn hàng cho các đối tác. Có nhiều doanh nghiệp không mua được lúa phải chuyển đơn hàng hoặc thậm chí bị phạt vì không giao đúng tiến độ . Tời gian qua khi giá lúa gạo biến động, nông dân bẻ kèo với doanh nghiệp có khi lên tới 70%, khiến việc thu mua lúa gặp khó.
“Thứ nhất là môi giới, cò tham gia mua rồi đẩy giá lên rồi doanh nghiệp không lấy hàng được, cuối cùng là doanh nghiệp bây giờ một là đền hợp đồng cho đối tác. Hai là dời hàng lại. Thứ ba là phải mua hàng mắc, mua lại của hàng xáo để đủ hợp đồng. Mua như vậy bây giờ mình không kiểm soát được nguồn nguyên liệu của mình, thứ nhất là các tiêu chuẩn nó rất là nguy hiểm, thực sự ra bây giờ chuỗi cung ứng, bao tiêu hàng hóa trong ngành lúa gạo khó khan” - ông Thành chia sẻ.
Tại vùng ĐBSCL phổ biến hình thức doanh nghiệp chủ động liên kết với HTX, tổ hợp tác để có vùng nguyên liệu lúa ổn định nhằm phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Cũng có những doanh nghiệp, đến mùa vụ chủ động ký hợp đồng thu mua với thương lái tại địa phương để có số lượng lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, việc liên kết này được đánh giá tồn tại bất cập mà chính người trong cuộc là nông dân, doanh nghiệp đều thấy rõ nhưng để giải quyết “bẻ kèo” là câu chuyện khó, vì hai chữ: “lợi ích”.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn TP.Cần Thơ cho biết, để sản xuất lúa mang lại hiệu quả, ổn định thì địa phương đã khuyến cáo người dân liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm ổn định đầu ra. Tuy nhiên, việc liên kết này chưa thực bền vững, chính điều này cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu và uy tín.
“Chúng tôi cũng tập trung nâng cao hiệu quả của hoạt động tổ chức nông dân, các mối liên kết để hình thành mô hình cánh đồng lớn, sản xuất, tiêu thụ chặt chẽ để giúp cho bà con sản xuất, tiêu thụ hạn chế được rủi ro, đồng thời cũng giúp cho doanh nghiệp có được vùng nguyên liệu để chủ động phát triển, kết nối hệ thống xuất khẩu” - ông Nghiêm nói
Cần cam kết hài hòa lợi ích
Tuy vậy, cùng ở vùng nguyên liệu xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cũng có HTX không bị người dân bẻ liên kết. Mấu chốt của vấn đề là việc thỏa thuận giá trong hợp đồng bao tiêu, và đặc biệt là xử lý giá khi có biến động thị trường.
Ông Lê Thành Trung, Giám đốc HTX Đồng Tâm, xã Tân Phú cho biết, tùy theo năm, theo mùa vụ, mà tình trạng “cò” lúa gây ra những khó khăn khác nhau. Có khi ký hợp đồng với giá thấp, đến mùa giá lúa cao hơn thì lại đè giá khiến người dân thiệt thòi. Cũng có “cò mồi” đến địa phương mua lúa của vài hộ với giá cao hơn thực tế giá thị trường, người dân đòi đơn vị bao tiêu tăng giá nhưng doanh nghiệp không thể chấp nhận, rời đi. Sau đó, chính những “cò mồi” quay trở lại ép giá, khi đó, người dân thiệt lớn mà không thể không bán.
Để tránh tình trạng này, HTX Đồng Tâm để gần thu hoạch, mới mời người dân lại thống nhất giá lúa với doanh nghiệp thu mua theo giá thị trường. Như vậy, vừa đảm bảo lợi ích người dân, vừa đảm bảo chữ tín với những doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm.
“Có số hộ dân thì vẫn bán cho cò ở ngoài, làm sao cần chấm dứt tình trạng cò để ổn định giá cả. Nhằm khi cò vô mua giá lúa non, bỏ có 7.000 đồng/kg nhưng tới lúc cắt giá thị trường tới 10.000 đồng/kg, rồi nâng cho bà con được có 8.000 đồng/kg thì rất thiệt thòi. Từ đó, chúng tôi ký hợp đồng theo kiểu, cách thời điểm thu hoạch vài ngày, mời tất cả bà con lại chốt giá theo thị trường, mọi người thống nhất cái là xong. Năm nay việc bao tiêu vẫn bình thường, mấy chục ha của HTX đều ổn hết. Định hướng của HTX tiếp tục mở rộng ra và làm theo kiểu “mua tận gốc, bán tận ngọn”.
Theo ông Hồ Quang Cua, cha đẻ gạo ST24, ST25, một doanh nghiệp muốn xây dựng được sản phẩm gạo có chất lượng, thương hiệu tốt, được thị trường chấp nhận thì chuyện liên kết với người nông dân là điều tất yếu. Đối với doanh nghiệp của ông đã chú trọng vấn đề này ngay từ khi mới thành lập. Bởi thông qua liên kết, còn giúp xây dựng một quy trình kỹ thuật, đảm bảo năng suất, giúp doanh nghiệp kiểm tra được chất lượng sản phẩm mua về.
Từ thực tế thời gian qua, ông Hồ Quang Cua nhấn mạnh, doanh nghiệp ông chọn những khu vực nông dân tuân thủ cam kết, tuân thủ cao về kỹ thuật, quy trình sản xuất để chế biến ra những loại gạo chất lượng cao nhất để hợp tác lâu dài. Hiện đang là giai đoạn thu hoạch lúa đối với hợp đồng sản xuất, tiêu thụ ở các vùng luân canh lúa-tôm. Giá lúa ST25 do tác động thị trường toàn cầu và cuộc thi gạo ngon nhất thế giới cao hơn năm rồi rất nhiều, các giống lúa khác cũng có nhiều biến động. Việc liên kết với nông dân nếu không uyển chuyển, xử lý kịp thời các doanh nghiệp có thể mất hợp đồng bao tiêu.
Thực tế, đối với những nông hộ mới hợp tác, chưa có sự gắn bó lâu dài doanh nghiệp của ông có bị “bẻ kèo”. Riêng đối với nông dân đã hợp tác lâu dài, cùng ngồi xuống đàm phán để tìm tiếng nói chung, tỷ lệ thất thoát hợp đồng tiêu thụ ở mức dưới 15%.
Ông Hồ Quang Cua cho rằng, vấn đề cốt lõi là hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp thì liên kết sẽ được đảm bảo: “Giá lúa chúng ta có thể hiểu, buổi sáng 10.000 đồng/kg, trưa giá 10.500 đồng/kg, chiều giá 10.800 đồng/kg, thì cũng là xáo động tâm tư của người nông dân, bởi sự biến động quá lớn. Cho nên bản thân chúng tôi cũng không trách người nông dân. Nhưng đối với những người nông dân mà có cộng tác, có liên kết lâu rồi, thì họ không vội vàng mà bán thẳng cho những người mà không đầu tư mà đi tìm nguồn nguyên liệu mà không có đầu tư”.
Việc liên kết, bao tiêu sản phẩm luôn dựa trên cơ sở lợi thế của vùng nguyên liệu tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu cần của doanh nghiệp, nhằm mang lại lợi ích cho các bên. Liên kết trong trồng lúa cũng không ngoại lệ, mấu chốt của mọi vấn đề nằm ở việc, cần có sự liên kết đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Thực tế, tình hình “cò mồi” cũng đang là vấn đề cần giải quyết, để tránh gây bất ổn cho thị trường nông sản nói chung, lúa gạo nói riêng.