Linh hoạt trong sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu
(VOV) - Việc “ứng trước và bù đắp sau” quỹ bình ổn trong thời điểm nhạy cảm được xem là phù hợp với Nghị định 84.
Đánh giá công tác quản lý thị trường xăng dầu cũng như tình hình đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong thời gian tới… Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2013, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, qua theo dõi từ năm 2010 đến nay, theo quy luật, thị trường xăng dầu thường tăng cao đột biến vào dịp cuối Quý I trùng với thời điểm sau Tết Nguyên đán của ta.
Khống chế tăng giá bằng quỹ bình ổn
Trong những năm trước, việc điều hành giá xăng dầu theo từng thời điểm tăng giá được thực hiện theo Nghị định 84. Tuy nhiên gần đây, trước tết và sau tết, tình hình diễn biến giá xăng dầu hết sức phức tạp, Liên bộ Tài chính - Công thương thay việc sử dụng biện pháp tăng giá và thuế bằng việc sử dụng quỹ bình ổn (đã có hai lần sử dụng quỹ bình ổn trong các ngày 21/1 và 8/2).
Theo ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc Liên bộ sử dụng quỹ bình ổn để giữ giá xăng dầu bởi lẽ đây là thời điểm hết sức nhạy cảm. Vào dịp trước, trong và sau Tết, giá hàng hóa dịch vụ thường tăng cao, vì vậy cho nên đây được xem như một động thái được thực hiện theo đúng tinh thần Nghị định 84 nhưng là sử dụng bằng biện pháp dùng quỹ bình ổn.
“Thời điểm sau Tết, giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng cao, Liên bộ đã đề xuất phương án sử dụng quỹ bình ổn bởi vì theo đánh giá của liên bộ thì đây là việc tăng giá cao bất thường nhưng lại mang tính quy luật, hiện tượng này sẽ sớm giảm vào khoảng tháng 3 và tháng 4” – ông Võ Văn Quyền cho biết.
Rất ít đại lý xăng dầu găm hàng chờ giá trong những ngày vừa qua. (Ảnh: Internet) |
Trong khi đó, trên thực tế theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1 là 1,25 và tháng 2 là 1,32. Mặc dù nhìn chung CPI của tháng 2 năm nay thấp hơn nhiều so với 2 tháng của 12 năm gần đây (chỉ cao hơn so với năm 2001 và năm 2009), nhưng so với chỉ tiêu 6,8 của cả năm thì vẫn có mức tăng chiếm khá cao. Do vậy, việc tăng giá xăng dầu vào thời điểm này không chỉ tác động vào vòng 1 vòng 2 mà nhiều khi có những yếu tố mang tính tâm lý.
“Liên bộ có hướng tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn để sau đó khi giá xăng dầu thế giới giảm xuống sẽ khôi phục lại quỹ để điều hành. Việc này qua báo chí và qua nghiên cứu cũng thấy đã tạo sự đồng thuận của xã hội, củng cố được niềm tin của thị trường - nhất là trong lúc thị trường hiện nay nhu cầu còn yếu” – ông Quyền nhấn mạnh.
Đảm bảo tốt nguồn cung giảm tiêu cực
Thông thường ở những thời điểm giá xăng dầu thế giới tăng cao, ở đâu đó trong nước vẫn xảy ra tình trạng những đại lý tạm dừng bán hàng hoặc doanh nghiệp đầu mối cung ứng hàng không kịp, không đầy đủ.
Ông Võ Văn Quyền giải thích, khi giá xăng dầu tăng cao, bản thân các doanh nghiệp đầu mối đang phải chịu lỗ. Lấy ví dụ ngày 26/2 (lúc 21h) theo thông báo của Liên bộ Tài chính - Công Thương, để trích 2.000 đồng/lít từ quỹ bình ổn đối với xăng RON 92 là đã tạm thời không tính mức lợi nhuận 300 đồng/lít của các doanh nghiệp đầu mối.
“Khi không tính đủ, tính đúng, việc chi phí hoa hồng cho các tổng đại lý/đại lý đương nhiên sẽ thấp, có những lúc chỉ còn 100 - 150 - 200đồng/lít và với mức hoa hồng ấy thì việc kinh doanh xăng dầu là rất khó” – ông Quyền xoa dịu.
Tuy nhiên, theo đại diện Vụ thị trường trong nước, trong thời điểm nhạy cảm về giá xăng dầu, phần lớn, đại bộ phận hệ thống phân phối đều tổ chức cung ứng tốt đặc biệt trong dịp Tết. Số lượng các đại lý, cửa hàng vi phạm không có nhiều ví dụ như ở Tiên Lãng (Hải Phòng), một số cửa hàng trên đường địa phận Đắk Lắk, Bình Thuận...
“Việc điều hành, đảm bảo tốt nguồn cung ứng đã khiến số lượng cửa hàng dừng hoặc tạm nghỉ bán hàng có lý do hoặc chưa có lý do so với trước kia là rất ít đã cho thấy khả năng tổ chức khôi phục lại hệ thống cũng rất là tốt. Qua qua theo dõi của Vụ thị trường trong nước, các nguồn cung ứng để đảm bảo theo nghị định 84 là 30 ngày lưu thông vẫn được đảm bảo.. Các doanh nghiệp đầu mối vẫn đảm bảo lượng lưu thông tồn kho dự trữ đủ 30 ngày và đảm bảo cung ứng” - ông Võ Văn Quyền cho hay.
Khôi phục lại quỹ bình ổn giá
Với những động thái về trong xử lý giữ giá, bình ổn, hệ thống cung ứng, điều hành… thị trường xăng dầu những ngày này đang trở lại bình thường. Đặc biệt những ngày gần đây, khi giá xăng dầu thế giới đang có chiều hướng giảm. Nếu so với ngày 26/2, giá thế giới từ mức 132 USD/thùng đã giảm xuống còn 123 USD trong ngày 3/3. Điều này cho thấy, nhận định của Vụ thị trường trong nước là có cơ sở, làm giảm áp lực về tổ chức hệ thống, nhập khẩu cũng như điều hành phân phối xăng dầu.
Giải thích về quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, quỹ bình ổn giá xăng dầu trước ngày 26/2 còn lại rất mỏng.
“Tuy nhiên chúng ta đã có tiền lệ là kể cả có những lúc như năm 2011, quỹ bình ổn âm nhưng chúng ta đã sử dụng biện pháp “ứng trước và bù đắp sau”. Việc bù đắp được thực hiện bằng toàn bộ kết quả từ các chi phí phát sinh và hiện nay quỹ bình ổn cũng đang được điều hành theo nguyên tắc đó. Vấn đề là để lúc nào thuận lợi thì sử dụng - nghĩa là giá thế giới thuận lợi, kinh tế vĩ mô thuận lợi, khả năng kiểm soát lạm phát cho phép thì lúc ấy thay vì việc sử dụng là phải trích lại quỹ bình ổn, đấy cũng là cách điều hành hoàn toàn phù hợp với Nghị định 84” - ông Võ Văn Quyền khẳng định.
Liên quan đến tình hình kiểm tra, kiểm soát xăng dầu, ông Quyền cũng cho rằng, khi chúng ta giữ bình ổn giá thì tự thân nước ta trở thành vùng trũng về giá xăng dầu. Hiện nay, giá xăng ở một số nước liền kề đang cao hơn Việt Nam từ 4.000 – 6.000 đồng/lít, do vậy các bộ ngành sẽ phải chủ động vì lợi ích tổng thể chung. Những phát sinh phụ như tạm thời bị lỗ, chảy máu xăng dầu/buôn lậu xăng dầu… dần sẽ phải có các biện pháp/pháp luật can thiệp xử lý./.