Lo ngại mất hàng ngàn việc làm sau vụ sáp nhập lịch sử trong ngành ngân hàng Thụy Sĩ
VOV.VN - Hàng ngàn việc làm sẽ mất đi khi chính phủ Thụy Sĩ ủng hộ gói cứu trợ Credit Suisse đang gặp khó khăn của "gã khổng lồ" UBS trong bối cảnh lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu.
Ngành ngân hàng Thụy Sỹ bước sang một thời kỳ mới sau khi UBS thông báo mua lại Credit Suisse theo một thỏa thuận được Chính phủ ủng hộ.
UBS đã đồng ý tiếp quản Credit Suisse với giá 3,25 tỷ USD (tương đương 2,65 tỷ bảng Anh) hôm 19/3 trong bối cảnh lo ngại về hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ sụp đổ.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã đồng ý hỗ trợ thỏa thuận với khoản bảo đảm tài chính trị giá 100 tỷ USD (tương đương 81,5 tỷ bảng Anh) trong khi chính phủ cũng cung cấp bảo đảm vỡ nợ để ngăn chặn sự sụp đổ của UBS.
Tuy nhiên, gói cứu trợ sẽ không làm giảm bớt sự lo ngại của đại đa số trong số 74.000 nhân sự của UBS trên toàn thế giới.
Ngay cả trước khi có tin tức về việc tiếp quản, Credit Suisse cũng đã đang ở trong quá trình cắt giảm 9.000 việc làm. Chủ tịch UBS Colm Kelleher nói rằng "còn quá sớm" để đưa ra phán quyết về việc liệu có cắt giảm việc làm hay không.
Song, Chủ tịch UBS cho hay thỏa thuận này "đại diện cho những cơ hội to lớn" để ngân hàng này "thu hẹp quy mô" Credit Suisse sao cho phù hợp với kế hoạch phát triển của UBS.
Hai ngân hàng trên đều là những trụ cột của hệ thống tài chính toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua. Theo Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ, UBS và Credit Suisse có tổng giá trị tài sản đến 140% GDP của Thụy Sỹ, quốc gia mà nền kinh tế phụ thuộc lớn vào ngành tài chính.
Hiệp hội nhân viên ngân hàng Thụy Sỹ đã rất bất ngờ trước những tác động từ thỏa thuận nhằm cứu Credit Suisse, ngân hàng 167 năm tuổi, sau khi lòng tin của khách hàng và thị trường vào ngân hàng này giảm sút mạnh. Hiệp hội đã yêu cầu UBS tiếp tục cắt giảm việc làm ở mức tối thiểu. Theo hiệp hội này, việc làm của rất nhiều người đang bị đe dọa./.