Logistics Việt Nam muốn tăng thêm 10 bậc cần tháo nhiều điểm nghẽn
VOV.VN - Ngành logistics Việt Nam muốn tăng lên 5 - 10 bậc, xếp thứ hạng 30 ngang bằng với các nước phát triển sẽ cần tháo gỡ nhiều điểm nghẽn.
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, dịch vụ logistics ngày càng đóng vai trò thiết yếu hỗ trợ các ngành kinh tế khác phát triển. Dù đã có những đổi thay mạnh mẽ với tốc độ phát triển 13 - 15%/năm, song ngành logistics Việt Nam cũng đang phải đối mặt không ít khó khăn, đó là chi phí logistics còn quá cao làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế. Ngoài ra, thiếu kết nối đồng bộ cũng đang làm logictics ở nước ta chưa phát triển xứng với tiềm năng.
Tiềm năng lớn…
Theo Hiệp hội doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), trong 3.000 DN có hoạt động logistics quốc tế, có khoảng 10 - 15% tổng số thành viên tham gia cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam nhưng lại là đại diện trên 60% thị phần cả nước.
Phó Tổng Thư ký VLA – ông Nguyễn Tương dẫn báo cáo điều tra về chỉ số hoạt động logistics (LPI) năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước có đầu tư và cải thiện về dịch vụ logistics, tăng 25 bậc so với xếp hạng 64 năm 2016.
“Hiện Việt Nam đang phấn đấu tiếp tục tăng lên 5 - 10 bậc, xếp thứ hạng 30 ngang bằng với các nước phát triển. Nỗ lực đó nhờ vào những điểm sáng như Trung tâm logistics Hateco (KCN Sài Đồng - Hà Nội) có hẳn trung tâm phân loại hàng hóa của Lazada với hoạt động khá quy mô, hiện đại”, ông Tương cho hay.
Hệ thống phân loại hàng hóa tại một trung tâm khai thác logistics. |
Là người đang có nhiều tâm huyết với thị trường logistics Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành rất quan tâm đến vấn đề logistics, thể hiện qua việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. “Điều quan trọng nhất đó là logistics đã được nhận định là một trong những ngành có tiềm năng rất lớn đối với nền kinh tế”, ông Hải nói.
Nhận định việc phát triển logistics là xu hướng tất yếu trên toàn cầu, ông Nguyễn Thành Phương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ - Chủ đầu tư Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng) cho rằng, tại Việt Nam, dư địa để đầu tư phát triển logistics rất lớn, bởi hạ tầng cho lĩnh vực này còn yếu và chi phí logistics cho lĩnh vực vận tải hàng hóa còn quá cao.
“Đơn vị đang đầu tư phát triển lĩnh vực mới là cảng biển và logistics, trong đó có Khu công nghiệp Nam Đình Vũ với quy mô 1.329 ha. Đây là khu công nghiệp tổng hợp và đang được các nhà đầu tư đánh giá là có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư. Trong khu công nghiệp này có nhiều phân khu, đặc biệt có phân khu về cảng biển và logistics. Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, đặc biệt là cảng Nam Đình Vũ nằm ở vị trí rất thuận lợi, đủ điều kiện hình thành một trung tâm logistics lớn tại Hải Phòng”, ông Phương chia sẻ.
Có thể thấy, Việt Nam đang có lợi thế là sở hữu phần lớn kho bãi phục vụ dịch vụ logistics và nắm bắt được thị trường, tâm lý khách hàng, địa lý, thời tiết, văn hóa của người bản địa hơn DN nước ngoài. Ví dụ như tại một địa điểm nằm ngay tại Thủ đô như Trung tâm logistics Hateco (Khu công nghiệp Sài Đồng-Hà Nội), tại trung tâm này còn có cả trung tâm phân loại hàng hóa của Lazada với hoạt động khá quy mô, hiện đại.
Ông Đinh Duy Linh - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hateco cho biết, Trung tâm logistics Hateco có diện tích gần 13 ha được thiết kế theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0 nhằm giảm chi phí. Mục tiêu đặt ra của Hateco là trở thành trung tâm logistics tích hợp, đặc biệt trong ngành thương mại điện tử và chuyển phát nhanh.
Hóa giải những điểm nghẽn
Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của ngành logistics Việt Nam còn không ít điểm nghẽn cần tháo gỡ để thúc đẩy phát triển, ông Trần Thanh Hải phân tích, trước hết là vấn đề hạ tầng, mặc dù Việt Nam đã có cải tiến nhiều về hạ tầng cho logistics, đặc biệt là về hạ tầng đường bộ, hàng không, song còn thiếu sự kết nối giữa các phương tiện, các hình thức giao thông vận tải, nhất là thiếu sự kết nối giữa đường bộ với các hình thức đường biển, đường sắt.
Bên cạnh đó, chi phí logistics trong lĩnh vực về vận chuyển hiện nay còn khá cao do khối lượng lớn hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ. Việc cắt giảm chi phí logistics hiện nay còn rất khó khăn khi chưa khai thác và đẩy mạnh được các phương tiện đường thủy, đường sắt.
Cũng theo ông Hải, năng lực cạnh tranh của các DN logistics Việt Nam hiện nay còn rất thấp, ngoài yếu tố về vốn, điểm yếu của DN còn là về kinh nghiệm, kỹ năng do chưa có điều kiện vươn ra thị trường quốc tế để khảo sát nhiều, làm cho DN bị thua thiệt trong cạnh tranh.
“Sự liên kết đồng bộ giữa các DN cung cấp các công đoạn khác nhau của dịch vụ logistics còn khá kém. Dù đã Việt Nam đã có DN cũng cấp dịch vụ kho, có DN cung cấp dịch vụ vận tải, hỗ trợ… nhưng các dịch vụ đó chưa liên kết thành xâu chuỗi. Đây là điểm yếu của DN Việt Nam so với DN nước ngoài”, ông Hải nói.
Lo lắng trước áp lực giao thông như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giao nhận hàng hóa – điều tối quan trọng trong hoạt động logistics, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Cảng Nam Đình Vũ mong muốn các cơ quan chức năng nghiên cứu vấn đề quy hoạch, giảm áp lực cho đường bộ, tìm giải pháp về đường thủy nội địa, đường sắt để làm sao giảm chi phí, cải thiện chất lượng dịch vụ logistics cũng như giảm thời gian hàng hóa lưu tại cảng, kho.
“Chi phí logistics có thể giảm 1/2 nếu như cải thiện được các dịch vụ logistics khác như vận tải thủy nội địa, vận tải đường sắt. Nếu so sánh giữa đường thủy nội địa và đường bộ, hiện nay chi phí đường thủy nội địa đang tiết kiệm 30%. Nếu thời gian tới có giải pháp mới mang tính đột phá, chi phí hoàn toàn có thể giảm thêm 20-30% nữa”, ông Hà nhấn mạnh./.
Chi phí logistics quá cao làm giảm tính cạnh tranh của hàng hoá