Lối thoát nào cho bài toán vốn hạ tầng?
Hạ tầng vẫn là từ khoá quan trọng trong năm 2019 và giai đoạn tiếp theo, khi Việt Nam tăng tốc trong cuộc đua về năng lực cạnh tranh quốc gia.
Lối thoát nào cho bài toán vốn hạ tầng?
Theo các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019, ước tính trong 20 năm tới, mỗi năm Việt Nam cần thu hút từ 15-20 tỷ USD vốn đầu tư tư nhân vào phát triển kết cấu hạ tầng
“Phát triển nhanh và bền vững là chủ trương xuyên suốt của đảng và nhà nước Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi xác định 3 đột phá trong chiến lược phát triển: thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực”, ông Nguyễn Văn Bình – Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nói tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019.
Cũng tại diễn đàn này, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Ousmane Dione đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng nếu Việt Nam muốn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia so với các nước trong khu vực.
Cụ thể, ông Ousmane Dione khuyến nghị Việt Nam: “Huy động tài chính và khả năng cung cấp dịch vụ của khu vực tư nhân trong phát triển hạ tầng, đặc biệt là ngành điện bền vững và kết nối giao thông giữa những thành phố cạnh tranh và đáng sống”.
“Cơ sở hạ tầng của ta đã được cải thiện nhưng còn phải làm nhiều. Chi phí logistic ở Việt Nam quá lớn như hiện nay thì sao thu hút được nhà đầu tư?”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình thẳng thắn.
Trong khi đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh thì ngoài hạ tầng giao thông còn cần đến hạ tầng năng lượng mà điện là chủ đạo và hạ tầng viễn thông.
Các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019, ước tính trong 20 năm tới, mỗi năm Việt Nam cần thu hút 15-20 tỷ USD vốn đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng. |
Ngân sách không còn sức "gồng gánh" hạ tầng
Theo ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư thì thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển kết cấu hạ tầng là rất cần thiết trong bối cảnh dư địa tài khoá hạn hẹp.
"Quy mô nền kinh tế của Việt Nam còn nhỏ, đang trong giai đoạn tích luỹ nên tập trung cho đầu tư hạ tầng sẽ gây ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, sự phát triển chung của toàn nền kinh tế. Đặc biệt, đầu tư lớn cho kết cấu hạ tầng đã gây áp lực cho ngân sách, dẫn đến trần nợ công cao", ông Thắng nói.
"Ngoài ra, đến thời điểm này, Việt Nam khó có khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay ODA giá rẻ do đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Đây cũng là một áp lực lớn đối với Việt Nam khi phát triển cơ sở hạ tầng", ông Vũ Đại Thắng phân tích thêm.
Như vậy, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác công – tư (PPP) để nhà nước chuyển một phần vai trò gánh vác các chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng sang khu vực tư nhân.
Các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 đánh giá PPP là giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn vốn tư nhân, nguồn tài chính quốc tế lấp đầy khoảng trống vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
Theo các chuyên gia, những lợi thế có được từ thúc đẩy PPP không chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu nguồn tài chính bổ sung, mà còn là giải pháp thị trường cho bài toán quy hoạch - đầu tư - xây dựng - quản trị để phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 cũng cảnh báo PPP rất phức tạp, không chỉ ở Việt Nam, mà ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Nhà đầu tư chưa "mặn mà" với PPP
Mặc dù có nhiều ưu thế nhưng trong hơn 20 năm qua, chưa có nhiều dự án PPP được triển khai. Theo Báo cáo tổng kết công tác PPP của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2018, đã có 289 dự án PPP với tổng số vốn tương đương 54 tỷ USD, trong đó có 207 dự án về giao thông, 18 dự án năng lượng và nhiều dự án trong lĩnh vực văn hóa, giải trí khác.
Trong đó, có 141 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), 140 dự án hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT); 5 dự án theo hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO).
Nhà đầu tư, mà đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài chưa mặn mà với PPP. Họ cho rằng mình đang “nắm đằng lưỡi”, quyền lợi chưa tương xứng với rủi ro, đặc biệt là còn tồn tại nhiều “nút thắt” trong huy động vốn cũng như chưa có cơ chế để nhà nước cung cấp các hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính cho các dự án PPP trong những lĩnh vực rủi ro cao.
Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thường rất tốn kém. Hầu như nhà đầu tư không thể thực hiện dự án nếu chỉ sử dụng nguồn lực tài chính tự có của mình. Cho nên họ cần phải vay.
“Các quy định nghiêm ngặt mà không còn phù hợp đã trở thành trở ngại cho việc đầu tư. Đơn cử, trong đầu tư PPP, các nhà đầu tư cần được cho phép có nhiều lựa chọn khác nhau để huy động vốn. Nhưng quy định hiện nay quá nghiêm ngặt và thiếu cơ sở pháp lý để công nhận các phương thức huy động vốn khác nhau của nhà đầu tư tư nhân”, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), nói.
Một trong những trong những khó khăn lớn nhất mà các dự án PPP gặp phải là việc xác định nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt tài chính cho các dự án. Quá trình chuẩn bị đề xuất dự án đòi hỏi nhiều chi phí và nguồn lực. Tuy nhiên, hiện chưa có các quy định rõ ràng về các nguồn vốn bù đắp thiếu hụt tài chính cho các dự án PPP.
Phía nhà đầu tư kỳ vọng, trong thời gian tới, chính phủ sẽ xem xét các dự án PPP từ góc nhìn thị trường và thương mại, thay vì góc nhìn của đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân truyền thống. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra các tiêu chí mong muốn đối với dự án PPP và cam kết sự hỗ trợ từ nhà nước. Nhà đầu tư tham gia đấu thầu được tự do cơ cấu dự án theo cách thức tốt nhất để đạt hiệu quả mong muốn và tuân thủ pháp luật hiện hành.
Hiện, Bộ Kế hoạch và đầu tư được chính phủ giao làm đầu mối xây dựng dự án Luật PPP mới. Nếu được Quốc hội thông qua chương trình xây dựng Luật, dự kiến Luật PPP mới có thể được báo cáo Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào năm 2020 hoặc năm 2021.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, nhiều chính sách mới sẽ được đưa vào luật này nhằm thay đổi hẳn tư duy, cách thức làm dự án PPP như hiện nay./.
Đến năm 2020, cần hơn 952.000 tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng giao thông
Phát triển hạ tầng giao thông - Sức bật cho Đất 9 Rồng