Long An đặt mục tiêu trở thành trung tâm trung chuyển của Vùng
VOV.VN - Cùng với cảng Quốc tế Long An đi vào hoạt động 8 năm nay, hệ thống logicstic, kho bãi, kho lạnh đang được Long An đầu tư mạnh mẽ. Việc hình thành các chuỗi logicstic trên địa bàn tỉnh, Long An đang dần định hình trở thành một trung tâm logicstic của Vùng.
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới mỗi năm hàng hóa xuất nhập khẩu khu vực ĐBSCL đạt khoảng 20 triệu tấn. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu của khu vực khoảng 17 - 18 triệu tấn/năm.
Dù mạng lưới sông ngòi dày đặc, rất thuận lợi phát triển giao thông thủy nhưng khoảng 70% hàng xuất khẩu từ ĐBSCL lên TP.HCM và Bà Rịa Vũng Tàu vẫn được vận chuyển bằng đường bộ. Nguyên nhân do vận tải đường thủy trong Vùng không đồng bộ, làm đội chi phí và thời gian vận chuyển. Chính vì vậy, việc khơi thông các tuyến hàng hải sẽ góp phần giảm mạnh chi phí logistics nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa.
Long An nằm ở vị trí chiến lược, cửa ngõ của vùng Đông Nam bộ với ĐBSCL. Đây là lợi thế để Long An trở thành lối thông quan cho hàng hóa của ĐBSCL, góp phần giải quyết điểm nghẽn về kết nối giao thông, xuất nhập khẩu.
Sau 8 năm đi vào hoạt động, cảng Quốc tế Long An đã có nhiều đột phá trong vận tải đường thủy, từng bước khẳng định là trung tâm đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa của khu vực, góp phần tạo tiền đề mở rộng hành lang logistics thủy nội địa, kết nối kinh tế ven biển sang các tỉnh miền Tây Nam Bộ và tiến xuống các tỉnh cực Nam.
Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group cho biết: "Dự án xây dựng cảng Long An không chỉ phục vụ cho Long An mà chiến lược của chúng tôi là cả đồng bằng sông Cửu Long. Qua năm 2024 chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh dự án hệ thống vận tải đường sông bus container. Chúng tôi sẽ tiếp nhận hàng hóa từ các cảng ở các tỉnh miền tây, trung chuyển bằng đường sông với chi phí thấp so với đường bộ. Tôi tin rằng với dự án sắp tới các doanh nghiệp sẽ có được chi phí thấp nhất để hàng hóa có thể cạnh tranh".
Hiện nay, hàng loạt doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng logistics trong đó có kho lạnh bảo quản và dự trữ nông sản chờ xuất khẩu ngay tại Long An. Sự đầu tư này là rất cần thiết, từ đó sẽ giúp bảo quản hàng hóa đặc biệt là nông sản
Ông Trương Quang An, Chủ tịch Hội Đồng Quản trị- Giám đốc HTX Thanh Long Tầm Vu, Long An cho rằng, cùng với hệ thống cảng biển, kho lạnh sẽ giúp trái thanh long, cây nông nghiệp chủ lực của Long An có sức cạnh tranh tốt hơn.
Theo ông Trương Quang An: "Thanh Long chỉ cần kho mát bảo quản tốt là được, tuy nhiên hiện nay chỉ nằm kho được 40-50 ngày là trái bị xuống cấp rồi. Làm sao các hệ thống kho bảo quản được 60 đến 70 ngày thì trái thanh long mới đi xa được. Xuất hàng bằng đường cảng biển chắc chắn kinh tế hơn, dễ bán hơn, chứ đi bằng máy bay sang đó giá cao khó bán".
Theo quy hoạch của tỉnh, Long An sẽ tập trung phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, kho bãi và ứng dụng công nghệ mới trong logistics.
Từ nay đến năm 2030, Long An sẽ hình thành 10 trung tâm logistics tại các huyện: Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành, Cần Đước, Đức Huệ, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường nhằm góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa Long An với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Tỉnh cũng sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi, kho lạnh, vận chuyển container lạnh hoặc đa nhiệt độ chất lượng cao để bổ trợ cho hoạt động giao thương đến và đi từ cảng Quốc tế Long An.
Bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công thương Long An cho biết: "Sở Công thương cùng với các ngành địa phương mời gọi cũng như tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển ở lĩnh vực logistics theo quy hoạch. Ngành cũng thường xuyên rà soát để khiến nghị tháo gỡ khó khăn hoạt động logistics. Hiện Sở Công thương cũng đề xuất để thực hiện đề tài khoa học nghiên cứu phát triển cơ sở hạ tầng logistics Long An theo hướng hiện đại bền vững".
Long An đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh phía Nam và thị trường Campuchia; đầu mối xuất khẩu nông sản của ĐBSCL. Các trung tâm kho vận, cảng biển lần lượt được hình thành cho thấy khát vọng Long An – Trung tâm Logistics mới về dịch vụ lưu trữ, trung chuyển hàng hóa sẽ sớm được định hình trong những năm tới đây.